Trẻ không có giấy khai sinh có được cấp bảo hiểm y tế?

01/10/2024 04:36 GMT+7

Nhiều trường hợp trẻ không có bảo hiểm y tế phải mượn của trẻ khác để sử dụng trong bệnh viện và bị phát hiện, bệnh viện bị xuất toán chi phí này.

Chiều 30.9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế (dự thảo lần 4, 29 điều sửa đổi, bổ sung). Đây là luật đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2014.

Có giấy khai sinh mới có thẻ bảo hiểm y tế?

Tại hội thảo, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, quy định hiện nay là cấp bảo hiểm y tế cho trẻ em đồng thời khi làm giấy khai sinh, điều này là đúng. Nhưng bà cũng đặt vấn đề rằng, có nhiều trường hợp trẻ em không làm giấy khai sinh, vậy có được bảo hiểm y tế hay không?

"Tôi nghĩ đây là quyền an sinh của đứa trẻ, khi cha mẹ, ông bà không làm giấy khai sinh cho trẻ thì trẻ phải được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chứ không đòi phải có giấy khai sinh. Vậy các trẻ vì hoàn cảnh nào đó mà không được làm hoặc không đủ điều kiện để làm thì sẽ không được bảo hiểm y tế. Việc này là chưa thực hiện Điều 34 Hiến pháp năm 2013 quy định "công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội", luật sư Hòa nói.

Trẻ không có giấy khai sinh có được cấp bảo hiểm y tế?- Ảnh 1.

Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu tại hội thảo

ẢNH: DUY TÍNH

Đồng quan điểm, đại diện Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng cho rằng, thực tế nhiều bệnh nhi có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ có giấy chứng sinh. Vì đứa bé không có lỗi gì, vì vậy, trẻ chỉ cần có giấy chứng sinh thì vẫn có thể cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho rằng, tại TP.HCM, trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tuổi chưa có giấy khai sinh thì vẫn được các cơ sở khám chữa bệnh cho hưởng bảo hiểm y tế đầy đủ. Chỉ cần kê khai và giám đốc cơ sở, cha mẹ ký vào hồ sơ thì bảo hiểm vẫn cho hưởng quyền lợi.

Bà Thu Hằng đề nghị bổ sung thêm danh sách hưởng bảo hiểm y tế đối với những người không có giấy tờ tùy thân. Vì thực trạng hiện có nhiều trẻ ở nước ngoài không có giấy khai sinh, phụ huynh không làm giấy khai sinh cho con được, thậm chí trẻ không có giấy tờ tùy thân.

"Có một số trường hợp (trẻ có quốc tịch nước ngoài hoặc không có quốc tịch Việt Nam - PV) ở các lớp học, cô giáo thấy thương mới lấy thẻ bảo hiểm của trẻ này cho trẻ khác sử dụng. Nên chi phí phát sinh lên đến vài tỷ đồng và cơ sở khám chữa bệnh bị xuất toán", bà Thu Hằng thông tin. Vì vậy, cần có quy định cấp bảo hiểm y tế cho một số đối tượng yếu thế chưa có giấy tờ tùy thân.

"Cơ quan bảo hiểm cũng gặp rất nhiều trường hợp. Ví dụ như tại Bệnh viện Nhi đồng 2 có nhiều trẻ từ nước ngoài về sống với ông bà, không có giấy tờ tùy thân nên sinh ra các trường hợp gian dối là mượn thẻ bảo hiểm y tế", bà Thu Hằng nói thêm.

Ngân sách cần cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người từ 60 tuổi

Lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội TP.HCM đề nghị bổ sung đối tượng người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.

Theo quy định của luật Người cao tuổi, người từ đủ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi được Nhà nước quan tâm đến các chính sách xã hội. Theo quy định hiện hành, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng trợ cấp xã hội và được cấp thẻ bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo. 

Tuy nhiên, đối với nhóm người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên đến dưới 80 mà không hưởng trợ cấp hằng tháng là đối tượng yếu thế xã hội, cần được quan tâm trong lưới an sinh.

"Vì vậy, đề xuất đối tượng trên được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế để được hưởng chính sách bảo vệ sức khỏe, giảm bớt gánh nặng tài chính khi có rủi ro ốm đau, bệnh tật", bà Thu Hằng kiến nghị.

Trẻ không có giấy khai sinh có được cấp bảo hiểm y tế?- Ảnh 2.

Luật Bảo hiểm y tế ảnh hưởng toàn dân, do đó cần những quy định cụ thể

ẢNH: DUY TÍNH

Theo bà Thu Hằng, hiện nay toàn quốc có khoảng 17 triệu người cao tuổi, trong đó có khoảng trên 14 triệu người đã tham gia bảo hiểm y tế thuộc các nhóm đối tượng theo quy định của luật. Còn khoảng 2,4 triệu người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi chưa tham gia. 

Tuy nhiên, kể từ ngày 1.7.2025, theo quy định của luật Bảo hiểm xã hội thì sẽ có khoảng 800.000 người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và được ngân sách đóng bảo hiểm y tế. Do đó, sẽ có khoảng 1,6 triệu người thuộc đối tượng này chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Cần thiết bổ sung đối tượng người cao tuổi được ngân sách đóng.

Ngoài ra, hằng năm có khoảng 300.000 người thoát nghèo, trong đó có khoảng 150.000 xuống hộ cận nghèo, được ngân sách hỗ trợ mức dóng. Như vậy còn khoảng 150.000 người vẫn có thể có hoàn cảnh khó khăn, cần có lộ trình hỗ trợ để ổn định cuộc sống và đặc biệt cần hỗ trợ chính sách bảo hiểm y tế (hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng), tránh để họ rơi bẫy nghèo khi có ốm đau…

Tại hội thảo, các đại biểu có đề xuất một số điểm cần đưa vào dự thảo. Ví dụ như tách bạch hành vi chậm đóng với không đóng bảo hiểm y tế. Đề nghị thanh toán bảo hiểm y tế cho cấp cứu ngoại viện; thanh toán dụng cụ y tế hỗ trợ người khuyết tật, tay chân giả, mắt giả, răng, kính, phương tiện trợ thính, nạng, gậy, xe lăn... Làm rõ các khái niệm về dụng cụ, công cụ, thiết bị y tế một cách rõ ràng nhất để khi thanh toán khỏi tranh cãi nhau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.