Trẻ mắc bệnh hô hấp chật kín bệnh viện nhi

19/10/2022 06:29 GMT+7

Những ngày gần đây, số trẻ đến các bệnh viện nhi trên địa bàn TP.HCM khám bệnh hô hấp gia tăng.

Tận dụng tối đa để kê giường bệnh

Ngày 17.10, khu Khám bệnh về hô hấp Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 chật cứng bệnh nhi (BN) và phụ huynh, dù khu này được chia ra nhiều phòng. Bà Phạm Thị Nho (63 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết cháu ngoại bà ho cả tuần nay không dứt, dù đã uống thuốc, bà phải đưa cháu vào BV khám cho yên tâm. Theo bà Nho, BN đông quá, nhìn đâu cũng chật kín.

Còn chị Nguyễn Thị Xuyên (ngụ Bình Dương) có con 2 tuổi sốt, ho suốt 1 tuần nay, ban đêm con thường quấy khóc. “Cả tuần tôi mất ngủ vì con quấy khóc nên rất mệt mỏi, lên BV trên này khám lại phải chờ đợi vì đông”, chị Xuyên nói.

Sáng 18.10, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, khu điều trị nội trú Khoa Hô hấp BV Nhi đồng 2 không còn giường trống dù nhân viên y tế đã tận dụng mọi không gian để kê giường bệnh. BN phải nằm ghép 2 em/giường vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu. Nhiều phụ huynh đành kê giường, mắc võng dọc các hành lang, cầu thang để làm nơi nghỉ ngơi cho con. Một số người khác xin điều trị ngoại trú vì sợ nằm ghép sẽ khiến con họ bị lây bệnh chéo.

Phụ huynh đưa con em đến khám rất đông tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM

XUÂN KHÁNH

Chị Phạm Thị Bích Hiền (ngụ Bến Tre) đưa con nhỏ bị viêm phổi đến điều trị tại BV Nhi đồng 2 nhiều lần nhưng chưa bao giờ thấy đông như vậy. Chị cho hay, điều trị nội trú tại khoa, 2 cháu phải nằm một giường rất bí bách nên chị xin chuyển ra nằm võng ngoài hành lang.

Nội, ngoại trú đều đông bệnh

Ngày 18.10, lãnh đạo BV Nhi đồng TP.HCM cho biết, gần đây số trẻ em đến khám tại BV này gia tăng, đặc biệt là bệnh liên quan hô hấp. Cụ thể, trong ngày đầu tuần (17.10), BV tiếp nhận đến 2.669 BN khám ngoại trú, trong đó BN khám về đường hô hấp chiếm trên 50%. Do quá tải nên BN phải nằm tại Khoa Hô hấp và cả Khoa Nội tổng hợp.

TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết ngày 17.10 có 6.350 BN đến khám ngoại trú, trong đó BN hô hấp đông nhất, chiếm 26,4%. BV Nhi đồng 1 có 1.565 giường bệnh nhưng BN hô hấp chiếm đến 30%. “Cứ đến mùa này hằng năm, với ngoại trú thì BV mở nhiều phòng khám hô hấp, theo đó phải tăng BS và điều dưỡng. Hằng ngày làm việc từ 6 giờ sáng, trưa có 7 - 8 phòng khám làm xuyên trưa; ca 12 giờ 30 khám đến 22 giờ đêm; sau đó còn 2 bàn khám, khám đến sáng”, TS-BS Minh nói. Về nội trú, ngoài 2 khoa Hô hấp 1 và 2, BV lấy Khoa Nội tổng quát điều trị hô hấp, còn những BN nội tổng quát thì phân về khoa khác. Song song đó, BV tăng cường điều trị ngoại trú. Với BN ở TP, sau 3 - 5 ngày ổn thì cho xuất viện điều trị ngoại trú, tái khám hằng ngày. BN ở tỉnh nếu ổn thì cho về tuyến dưới điều trị tiếp.

BS Đặng Xuân Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi đồng 2, cho biết thêm: Ngày 17.10, BV có 6.700 ca đến khám. Theo tổng kết tháng thì số BN khám hô hấp trên và dưới khám ngoại trú chiếm khoảng 50%. “BN quá tải, BV Nhi đồng 2 phải tận dụng tất cả chỗ trống và chuyển BN về một số khoa khác”, BS Vinh thông tin.

Bệnh hô hấp vào mùa

Theo TS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1, thời điểm vào tháng 8 - 11 hằng năm là cao điểm của bệnh hô hấp, đây là quy luật của mấy chục năm nay. Các loại bệnh hô hấp đang chiếm ưu thế là nhiễm trùng hô hấp, viêm tiểu phế quản ở trẻ dưới 2 tuổi, viêm phổi. Năm nay cần lưu ý bệnh hen suyễn và hậu Covid-19, BN suyễn đi cấp cứu nặng có tăng hơn do kiểm soát suyễn tại nhà chưa tốt.

TS-BS Trần Anh Tuấn khuyến cáo phụ huynh và trẻ em chú ý đeo khẩu trang, khử khuẩn tay và môi trường, nhà cửa. Không cho các cháu nhỏ tiếp xúc với người đang mắc bệnh cảm, ho hoặc tới những nơi đông người. Thời tiết thay đổi, vừa nóng vừa mưa, trong khi trẻ nhỏ thích ứng hạn chế nên cần bảo vệ để các em tránh bị tác động. Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất, thêm vitamin, hoa quả để nâng cao sức đề kháng, uống nhiều nước. Cần chú ý việc chủng ngừa đầy đủ cho trẻ để ngừa tác nhân gây bệnh hô hấp cho trẻ.

Các chuyên gia dự báo, bệnh hô hấp kéo dài đến giữa tháng 11, sau đó sẽ hạ nhiệt dần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.