Trẻ mãi với... vai già

03/08/2014 03:00 GMT+7

Từ khi ngồi trên ghế trường nghệ thuật sân khấu, Hữu Quốc đã “bị” đóng vai già. Không ngờ, những vai ấy đã ấn tượng vào lòng khán giả.

Từ khi ngồi trên ghế trường nghệ thuật sân khấu, Hữu Quốc đã “bị” đóng vai già. Không ngờ, những vai ấy đã ấn tượng vào lòng khán giả.

 Trẻ mãi với... vai già
Hữu Quốc vai ông già trong vở Bến nước Ngũ Bồ - Ảnh: NS cung cấp

Cậu bé Hữu Quốc hồi 9-10 tuổi cứ hay vô rạp Hưng Đạo (TP.HCM) coi cải lương, rồi về nhà tự lấy giấy làm thành những mô hình sân khấu nho nhỏ, xong đốt đèn cầy lên ngồi hát một mình, tưởng tượng mình đang đóng những vai tuồng trên sàn diễn. Bà mẹ thấy vậy cho Hữu Quốc đi học ca vọng cổ với thầy Út Trong. Học 2 năm rưỡi, Nhà hát Trần Hữu Trang tuyển lớp học cải lương, Hữu Quốc lén đi thi. Khóa đào tạo 3 năm, tuyển từ 1.000 em chỉ lấy 40 em chính thức và 20 em dự thính, mà Hữu Quốc lại đậu chính thức. Thế nhưng khi tựu trường thì gia đình Hữu Quốc lập tức ngăn cấm, ngay cả thầy cô và bạn bè cũng “vào cuộc” can ngăn. Bởi khi đó Hữu Quốc đã là học sinh lớp chuyên văn, tuyển rất gắt gao từ các học sinh giỏi của nhiều trường, gia đình hy vọng rất nhiều. Nhưng cậu bé 13 tuổi đã mạnh mẽ bảo vệ ước mơ của mình.

Anh có giây phút nào hối tiếc hay không khi lỡ chọn sân khấu cải lương?

Nói thật là có lúc tôi cũng dao động. Nhất là lúc tôi 15 tuổi, nhổ giò, nên giọng bị vỡ, không còn ca giọng kép mùi, kép đẹp như trước nữa. Tôi rúc đầu vào gối mà khóc quá trời. Nhưng khi NSND Phùng Há chọn trong 60 học viên lấy ra 14 người khá nhất để tập huấn riêng trở thành 2 ê kíp mẫu, thì trong đó có tôi. Bà giao cho tôi vai Tư Đồ trong trích đoạn Phụng Nghi Đình, tôi lại khóc nữa. Ôi thôi, mình trẻ như vầy mà bị hóa trang già nua, lại đeo râu tùm lum, ai thấy mặt mình! Thấy tôi như vậy, cô Bảy nhẹ nhàng nói: “Con đừng khóc. Sau này con sẽ nhớ lại tất cả những thành công của con là từ vai này”. Bởi nhân vật Tư Đồ có đủ hỉ, nộ, ái, ố, bi, hùng, nhiều đất cho diễn viên luyện tập và bật sáng. Nghe lời cô Bảy, tôi nghiêm túc tập tuồng, và đúng là mẫu mực đó giúp cho tôi sau này diễn vai già nào cũng không sợ. Tôi cũng chuyển sang kiểu “ca thế” để lấp đi nhược điểm khàn giọng lúc dậy thì, mà bật được ưu điểm khi thể hiện tâm lý nhân vật. Rồi các huy chương lần lượt kéo đến. Nhưng nói thật là tôi vẫn còn buồn, mỗi khi họp lớp thấy bạn bè đứa bác sĩ, đứa doanh nhân, còn mình vẫn là anh kép của đoàn xung kích Nhà hát Trần Hữu Trang, cứ đi vùng sâu vùng xa, chẳng ai biết mặt, cũng chẳng biết tương lai thế nào…Mãi đến khi đoạt giải Trần Hữu Trang cùng với Quế Trân năm 1998 tôi mới kiếm tiền được, sống khỏe với nghề, và yên tâm gặp lại bạn bè. Bây giờ thì tôi không một chút hối tiếc nào khi đi theo cải lương và gắn mình với những vai già.

Nhưng chắc anh cũng mơ ước mình được vô vai trẻ?

Năm 2000 tôi dự Liên hoan sân khấu toàn quốc trong vở Khúc ly hương, đóng vai Việt kiều đàng hoàng, nhưng trớt quớt, không được giải gì. Sau trở lại vai già thì có giải liên tục.

Như vậy anh đã thấy “con mắt xanh” của các bậc thầy không nhìn sai học trò. Anh làm live show sắp tới vào đêm 8.8 tại rạp Thủ Đô (TP.HCM, để tri ân thầy mình?

Tôi đâu có gọi là live show, chỉ gọi là đêm tri ân. Chương trình này tôi tri ân những người thầy, như cô Bảy Phùng Há đã động viên tôi đầu tiên và dạy từng cách diễn lẫn cách ăn, nói, đi đứng, sao cho ra phong thái nghệ sĩ. Còn cô Kim Cúc thì dạy tâm lý nhân vật rất tinh tế. Với thầy Đoàn Bá và cô Hoa Hạ thì tôi học được cách điều binh khiển tướng khi dàn dựng những chương trình lớn, đại lễ hội. Ở thầy Trần Ngọc Giàu tôi học cách nhấn những điểm trong kịch bản sao cho bật lên. Còn cô Nguyễn Thị Minh Ngọc thì dạy tôi cách diễn gần với kịch, nên khi tôi đóng tuồng xã hội không bị lê thê. Anh Hữu Châu lại hướng dẫn tôi cách hóa trang khuôn mặt và tạo hình nhân vật khác nhau. Quả là tôi may mắn gặp được những người thầy tận tụy. 

NSƯT Hữu Quốc tốt nghiệp khóa cải lương Nhà hát Trần Hữu Trang năm 1991. HCV Liên hoan sân khấu toàn quốc 1995 (vai ông Vinh - Bản tình ca quê mẹ), HCB Liên hoan sân khấu nhỏ toàn quốc 1996 (vai ông già - Ông không phải bố tôi), giải Diễn viên xuất sắc Liên hoan sân khấu Mùa thu 1998 (vai ông Nhẫn - Cung bậc tình yêu), HCV Trần Hữu Trang 1998 (vai ông Sáu - Bão rừng tre), HCB Liên hoan sân khấu toàn quốc 2005 (ông già - Cung đàn nào cho em), HCV Liên hoan sân khấu 2009 (vai ông già -Bến nước Ngũ Bồ), HCB Liên hoan sân khấu toàn quốc 2014 (vai thầy giáo - Bão)

Hoàng Kim

>> Hữu Quốc trở lại sàn diễn
>> 12 quốc gia dự liên hoan sân khấu
>> Khai mạc Liên hoan sân khấu không chuyên toàn quốc 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.