Động thái mạnh từ chính phủ Anh
Theo tờ The Observer, một số trường học tại Anh đã cử cảnh sát tới nhà của những học sinh liên tục vắng mặt, thậm chí cảnh báo rằng cha mẹ các em có khả năng bị bỏ tù nếu tình trạng chuyên cần của học sinh không được cải thiện. Điều này xuất phát từ thực tế số lượng học sinh nghỉ học ngày càng tăng, với kỷ lục 150.000 trẻ tại các trường công lập bị xếp vào diện nghỉ học nghiêm trọng trong năm học 2022-2023.
Bà Ellie Costello, đồng sáng lập Square Peg - nhóm vận động hành lang và hỗ trợ những trẻ em không phù hợp với mô hình trường học truyền thống, cho biết nhiều trường học hà khắc thậm chí xông vào nhà riêng của phụ huynh. "Cảnh sát đang chung 'chiến tuyến' với nhà trường. Họ đứng trên cầu thang, la hét với đám trẻ và yêu cầu các con phải ngay lập tức đi học", bà Costello kể.
Cũng theo bà Costello, từ khi chính phủ ban hành các hướng dẫn nghiêm ngặt liên quan đến việc buộc học sinh đến trường, như yêu cầu hiệu trưởng mỗi ngày phải báo cáo Bộ Giáo dục về số học sinh đến trường hay phạt tiền hoặc truy tố phụ huynh, số thành viên của nhóm đã tăng hơn gấp đôi, lên 58.000 người. Đồng nghĩa, một lượng lớn gia đình đang "đấu tranh chống lại một chiến dịch ép đi học độc hại".
Trong khi đó, tiến sĩ Naomi Fisher, nhà tâm lý học trẻ em chuyên về chấn thương và tự kỷ, cho biết: "Tôi từng nghe nhiều phụ huynh kể lại con của họ đã phải nghe lời đe dọa, 'Nếu con không vào học thì cha hoặc mẹ sẽ bị bỏ tù'. Đây là điều khủng khiếp nhất mà bạn có thể nói với một đứa trẻ. Mặt khác, nhiều trẻ nói với tôi rằng các con quá lo lắng về việc đi học đến mức mất ngủ, chán ăn hay thậm chí là gặp ác mộng".
Trước đó, bà Gillian Keegan, Bộ trưởng Giáo dục Anh, đã chỉ trích các bậc cha mẹ mà theo bà là cho phép con nghỉ học vào thứ sáu chỉ vì họ được làm việc ở nhà. Song, tiến sĩ Fisher cho rằng nhận định "cha mẹ lười biếng" dẫn đến tỷ lệ con nghỉ học cao là hoàn toàn sai lầm. "Nếu con cái không đến trường, rất khó để phụ huynh có một cuộc sống bình thường", bà Fisher nêu quan điểm.
Tranh cãi trái chiều
Trong khi chính phủ Anh ủng hộ các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ chuyên cần, nhiều nhóm phụ huynh, chuyên gia, lãnh đạo trường học lại phản đối điều này. Ông Oliver Conway, luật sư bảo vệ trẻ em tại Công ty luật Oliver Fisher (Anh), cho biết có không ít lý do dẫn đến việc phụ huynh không thể đưa con đến trường. Như mới đây, một nữ khách hàng của ông bị chính quyền địa phương đưa ra tòa vì không cho con gái 14 tuổi đến trường.
"Con gái của bà ấy không đi học vì đang mang thai. Cô bé đã bị lôi kéo vào đường dây buôn bán ma túy và bị một tay buôn ma túy lạm dụng tình dục. Ngoài ra, một số khách hàng khác cũng gặp khó khăn vì chính quyền địa phương đã chuyển nhà của họ sang một địa chỉ khác xa hơn nhiều, khiến họ phải đi 2-3 chuyến xe buýt mới có thể đưa con đến trường", ông Conway chia sẻ.
"Tại sao chính phủ không cung cấp cho các gia đình này sự hỗ trợ phù hợp về sức khỏe tâm thần và dịch vụ xã hội thay vì cố gắng trừng phạt họ?", ông Conway bày tỏ quan ngại với tờ The Guardian.
Ông Ben Davis, Hiệu trưởng Trường trung học St Ambrose Barlow RC (Anh), nói rằng thật sai lầm khi chính phủ cố gắng "bôi nhọ phụ huynh" dù phần lớn trường hợp vắng mặt nghiêm trọng liên quan đến các gia đình "thực sự gặp khó khăn", thường bắt nguồn từ nghèo đói. Tỷ lệ vắng mặt của nhóm học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay có nhu cầu giáo dục đặc biệt cao hơn mức trung bình toàn quốc, ông Davis nói thêm.
Ông Davis cảnh báo rằng áp lực từ chính phủ đang khiến các trường khó thực hiện cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn với việc nghỉ học của trẻ em. "Thật vô lý khi chúng ta cần phải kiên quyết, nghiêm khắc hơn với những đứa trẻ đang gặp căng thẳng", nam hiệu trưởng ta thán.
Đáp lại các quan ngại nêu trên, người phát ngôn của Bộ Giáo dục Anh cho hay: "Chúng tôi biết một số trẻ em phải đối mặt với những rào cản lớn hơn trong việc đến trường, ví dụ như có bệnh lý dài hạn, có nhu cầu giáo dục đặc biệt hoặc khuyết tật. Đây là nguyên nhân chúng tôi kỳ vọng trường học, chính quyền địa phương làm việc chặt chẽ với các gia đình để xác định và giải quyết các vấn đề cơ bản".
Tỷ lệ học sinh nghỉ học tăng cao là vấn đề mà nhiều quốc gia phát triển đang đối mặt trong thời gian qua, đặc biệt ở những năm hậu Covid-19. Chẳng hạn, 1/50 học sinh tại các trường công lập ở Anh nghỉ ít nhất một nửa số tiết học vào năm học 2022-2023, cao hơn 1,5 lần so với năm học 2018-2019, thời điểm trước khi Covid-19 hoành hành, theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục Anh.
Trong khi đó, tại Mỹ, ước tính khoảng 26% học sinh trường công lập trên toàn quốc vắng mặt thường xuyên trong năm học 2022-2023, tăng 15% so với thời điểm trước đại dịch, theo dữ liệu từ 40 tiểu bang và thủ đô Washington do Viện Doanh nghiệp Mỹ tổng hợp.
Sự vắng mặt thường xuyên thường được định nghĩa là vắng mặt ít nhất 10% thời lượng năm học, hoặc khoảng 18 ngày, dù bất cứ lý do gì.
Bình luận (0)