Trẻ ngộ độc thuốc

16/03/2008 17:46 GMT+7

Ngộ độc thuốc (chữa bệnh) ở trẻ nhỏ thường xảy ra do người lớn để thuốc trong tầm với của trẻ...

Hôm 4.3 vừa qua, khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhân là bé gái L.N.M (9 tuổi, ngụ ở Q.6, TP.HCM). M. nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, thở yếu ớt... Nguyên nhân là do buổi sáng cùng ngày, vì sợ đến lớp, M. đã lén lấy thuốc phenobarbital (một loại thuốc người nhà em dùng chữa bệnh tâm thần) để uống. Hậu quả là em ngủ hoài... không dậy. Sau 24 giờ điều trị M. thoát khỏi cơn nguy kịch, hồi tỉnh lại.

Trước đó không lâu (chiều 25.2), Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận một trường hợp trẻ bị ngộ độc thuốc chữa bệnh. Bệnh nhi là T.Y.N (4 tuổi) được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng lơ mơ... Được biết, trước lúc vào viện khoảng 30 phút, người nhà thấy tự nhiên N. bứt rứt, quấy khóc rất nhiều, rồi rơi vào tình trạng ngủ gà..., sau đó mới phát hiện toàn bộ số thuốc chlorpheniramine 4mg (một loại kháng histamine dùng trị dị ứng, sổ mũi) lên đến 20 viên để gần đó "biến mất", chỉ còn lại 20 cái vỏ đã bị bóc ở vị trí bé ngồi chơi!

Còn bé V.V.H (5 tuổi, ngụ ở Q.Thủ Đức, TP.HCM) thì chạy chơi, khát nước, về nhà bốc vội chai "nước" rượu mã tiền (người lớn ngâm trong chai giống chai đựng nước uống để ngay trên bàn) "tu" một hơi. Hậu quả là em bị ngộ độc, nôn ói, lơ mơ, được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy trước khi chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)...

Và còn rất nhiều các trường hợp tương tự nhưng chúng tôi không thể liệt kê hết được. Qua những trường hợp trên, các bác sĩ khuyên cần để thuốc chữa bệnh, hoặc những vật dụng có thể gây nguy hiểm xa tầm với tay của trẻ nhỏ; tất cả các loại thuốc chữa bệnh cần để trong hộp, trong tủ có khóa cẩn thận để trẻ không tự mở được; nhất là những thuốc đặc trị, dùng chữa bệnh mạn tính để một lượng lớn trong nhà thì cần phải thật cẩn thận; những loại dung dịch hóa chất, rượu... không được đựng trong chai lọ dễ khiến trẻ nhầm lẫn với chai đựng nước (như chai nước suối) và nên để ở một góc riêng...

Nếu ngộ độc xảy ra với trẻ, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, loại trừ độc chất kịp thời; đồng thời cần mang theo vỏ loại thuốc mà trẻ bị ngộ độc, để bác sĩ có hướng xử trí nhanh nhất.

Khánh Vy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.