Trẻ sinh năm 'vàng' đồng loạt vào các lớp đầu cấp

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
06/03/2018 07:10 GMT+7

Trẻ sinh vào các năm 'rồng vàng', 'lợn vàng', 'dê vàng' đều là lứa tuổi tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2018 - 2019 tới khiến các thành phố lớn 'căng mình' lo chống quá tải.

Cấp học nào cũng tăng hàng chục nghìn học sinh
Theo quan niệm dân gian, các năm đứng chữ “Đinh, Nhâm, Quý” được coi là “năm đẹp” nên nhiều gia đình chọn vào những năm này để sinh con với mong muốn con mình sẽ gặp may mắn trong tương lai.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là năm học 2018 - 2019 cả 3 lứa tuổi tuyển sinh đầu cấp năm học tới đều rơi vào “năm vàng” nên dự báo nguy cơ quá tải trường học ở một số địa bàn là khó tránh khỏi nếu trường lớp không tăng.
Theo thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2018 - 2019, quy mô học sinh (HS) trong độ tuổi vào các lớp đầu cấp đều tăng. Cụ thể, trẻ sinh năm 2012 (Nhâm Thìn) sẽ bước vào lớp 1 năm học tới khiến cho số HS lớp 1 sẽ cao hơn khoảng 20.000 em so với năm học trước.
Trẻ sinh năm 2007 (Đinh Hợi) bước vào lớp 6, tăng khoảng 11.000 và trẻ sinh năm 2003 (Quý Mùi) vào lớp 10 khiến số HS của khối này sẽ tăng tới 24.000 so với năm học trước.
Đây là thách thức không nhỏ với ngành giáo dục thủ đô, nhất là trong bối cảnh dân số gia tăng, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh trong khi công tác đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất của các nhà trường chưa kịp đáp ứng. Sĩ số HS/lớp ở Hà Nội nhiều năm nay vốn đã vượt quá quy chuẩn, có nơi vẫn phải chấp nhận sĩ số HS mầm non, tiểu học lên tới hơn 60 HS/lớp nên nếu mỗi cấp học tăng đột biến tới hàng chục nghìn thì năm học tới việc quá tải trường lớp là khó tránh khỏi ở nhiều nơi.
Trường vừa xây xong đã quá tải
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng HS trong độ tuổi ra lớp ngày càng nhiều, nhất là tại các địa bàn như Hoàng Mai, Thanh Trì, Long Biên, Hà Đông, Đông Anh... nên nguy cơ thiếu trường, lớp học đang trở thành vấn đề cấp bách.
Thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy, P.Quan Hoa (Q.Cầu Giấy) chưa có trường THCS công lập; khu đô thị Mỹ Đình 2, P.Mỹ Đình 2 (Q.Nam Từ Liêm) chưa có trường mầm non công lập; P.Đức Thắng (Q.Bắc Từ Liêm), chưa có đủ hệ thống trường công lập theo quy định; các phường Hoàng Liệt, Định Công, Đại Kim (Q.Hoàng Mai), có nhiều khu đô thị mới nhưng chưa đủ trường công lập...
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Hà Đông, cho biết Hà Đông là một trong số quận có tốc độ đô thị hóa mạnh nhất ở Hà Nội trong mấy năm gần đây. Do vậy, trường học cũng phải “chạy đua” để đáp ứng số HS tăng đột biến. 3 năm gần đây mỗi năm quận đều đầu tư xây mới 6 trường công lập ở cả 3 cấp học mầm non, tiểu học, THCS. Năm tới dự kiến sẽ tăng thêm 2 trường tiểu học để đáp ứng dân số tăng do có nhiều khu đô thị mới. Tuy nhiên, cũng theo bà Hằng, dù xây dựng trường như vậy nhưng để đáp ứng yêu cầu về sĩ số HS/lớp theo quy định của Bộ GD-ĐT với tiểu học thì cần một thời gian dài chứ không thể chỉ trong một vài năm. 
Tương tự, bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Nam Từ Liêm, cho biết có một thực trạng là các khu chung cư mới mọc lên quá nhanh nên ngay cả trường xây mới cũng không… tính kịp. Ví dụ khi xây trường đã tính để xây trường đạt chuẩn quốc gia, sĩ số theo quy định… nhưng khi trường xây xong đưa vào hoạt động 1 - 2 năm đã rơi vào tình trạng quá tải. Theo kế hoạch, đến năm 2020 quận sẽ xây thêm ít nhất 20 trường học công lập mới giãn được sĩ số và không phải loay hoay “ứng phó” với những năm có quá đông trẻ sinh năm “đẹp” nhập học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.