Sự chậm trễ tai hại
BS Hồ Anh Tuấn (khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư) cho biết hiện tại mỗi ngày khoa tiếp nhận 3-5 ca, có đợt cao điểm lên tới 7 ca/ngày. Thời tiết nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi bệnh phát triển. Điều đáng lo ngại là trẻ bị viêm não thường được phát hiện và điều trị muộn do chủ quan của cha mẹ. Trung bình cứ 10 bệnh nhân đến khoa thì có tới 6 bệnh nhân đã trong trạng thái hôn mê, suy hô hấp, co giật…phải thở máy.
Cháu T., 7 tháng tuổi ở Thanh Hóa là một ví dụ. Đã phải vào viện điều trị hơn một tháng nhưng chân tay T. luôn quờ quạng vô thức ra xung quanh. Mẹ cháu phải ngồi giữ và bế con trở lại chỗ nằm để cháu khỏi rơi xuống đất do co giật. Nhìn khuôn mặt đờ đẫn, ánh mắt mở nhưng không còn nhận được mẹ của con, chị H. ngân ngấn nước mắt kể: Trước đây cháu rất kháu khỉnh, cái gì cũng biết, hay "nói chuyện" và cười. Thế nhưng, chỉ sau hai ngày sốt 38,5 độ kèm co giật, cháu cứ dần ngây dại đi. Đến nay, qua điều trị đã 40 ngày mà cháu không thể tỉnh táo được như trước. Đêm, muốn cháu ngủ phải dùng thuốc an thần. Còn hễ thức dậy là cháu luôn chân tay quờ quạng, ánh mắt vô hồn. Bác sĩ cho biết sau đợt điều trị ở đây cháu sẽ được đưa sang Viện Châm cứu để phục hồi nhưng chưa biết sẽ ra sao. Có thể, cháu sẽ bị kém phát triển trí não, không còn biết gì nữa…
Chị M. (ở Nghệ An) trong tình cảnh đáng thương khác. Bế đứa con 15 tháng tuổi trên tay, chị M. ngậm ngùi kể: Cách đây 1 tháng bé X. có biểu hiện sốt trên 38 độ, bỏ bú. Cứ nghĩ con chỉ bị sốt nên lười ăn nên chị tự cho cháu uống thuốc tại nhà. Sau gần 1 tuần không đỡ, chị mới đưa con đến bệnh viện tỉnh khám, cả nhà té ngửa khi bác sĩ kết luận con chị bị viêm não. “Điều trị tại BV tỉnh trong nửa tháng, tình trạng bệnh lý của cháu vẫn không tiến triển mà còn xấu hơn. Cháu bắt đầu có biểu hiện sốt, co giật, cơ cứng toàn thân, tăng trương lực cơ liên tục. Lúc này, gia đình mới chuyển cháu lên BV Nhi T.Ư nhưng…” – chị M. nghẹn lời, mắt nhòe nước. Các bác sĩ tại khoa truyền nhiễm BV Nhi T.Ư cho biết do được đưa đi khám quá muộn nên bé X. đã bị tổn thương não nặng nề, não teo lại, không có khả năng phục hồi. Đau lòng hơn, nếu có may mắn giành lại sự sống thì sau này dù có lớn lên nhưng bệnh nhi không thể phát triển bình thường về mặt trí tuệ.
Cần tiêm phòng đầy đủ
Theo BS. Tuấn, biểu hiện lâm sàng ở trẻ viêm não rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng thường hay gặp là sốt cao, nôn, đau đầu… Một số trẻ còn có dấu hiệu tiêu chảy. Điều này khiến các bậc cha mẹ rất dễ nhầm lẫn với những triệu chứng cảm cúm thông thường khác. Vì thế, nhiều người thường tự điều trị cho con tại nhà. Chỉ đến khi những dấu hiệu rối loạn thần kinh xuất hiện như: Trẻ nôn, quấy khóc, khó chịu khi nằm, luôn trong trạng thái li bì, xuất hiện các dấu hiện rối loạn tri giác, thị giác… mới đưa đến viện thì hầu hết đã trong tình trạng nguy kịch. “Với những biểu hiện này cha mẹ cần nghĩ ngay đến bệnh viêm não và nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa. Không nên chỉ đưa trẻ đến viện khi thấy có biểu hiện co giật, mắt trợn ngược, hôn mê, mê sảng”- BS. Tuấn nhấn mạnh.
BS. Tuấn cũng cho biết di chứng của viêm não rất nặng nề với những tổn thương trầm trọng ở não, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm thần và vận động của trẻ. Phần lớn, khi đã bị hôn mê, sau này các cháu sẽ phải chịu di chứng liệt, đần độn, không thể đi lại, nói cười, thậm chí có cháu còn bị tâm thần… Có thể nói tương lai của các cháu gần như bi đát nếu không được điều trị và châm cứu tích cực để hồi phục lại phần nào khả năng vận động và nhận thức.
Vì thế, BS Tuấn khuyến cáo cách phòng tránh bệnh viêm não ở trẻ hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin. Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhằm tăng sức đề kháng, giữ gìn vệ sinh, tạo môi trường trong lành, khoa học cho sự phát triển của trẻ. Đặc biệt, cha mẹ không được tự ý mua thuốc cho trẻ uống. Vì đây là một sai lầm nghiêm trọng, khiến bệnh càng trầm trọng, tăng thời gian điều trị.
Châu Anh
Bình luận (0)