Trẻ tự kỷ và nỗi lo của cha mẹ

03/04/2008 15:43 GMT+7

Người mẹ nọ đã mô tả căn bệnh rằng, nếu khuôn mặt một người bị tạt a-xít bị biến dạng một cách khủng khiếp thì trẻ bị tự kỷ giống như một người bị tạt a-xít vào khả năng tư duy vậy.

Phát sốt ruột vì ai cũng "quở" cậu con trai 4 tuổi là "trông đẹp trai mà chẳng biết nói", chị T.H đưa con đi khám ở khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi T.Ư, kết quả thật bất ngờ: cháu bị bệnh tự kỷ! Khi tìm hiểu về căn bệnh này, chị đọc được một tài liệu nói rằng, một người mẹ có một đứa con mắc bệnh tự kỷ, đứa con khác cũng có thể mắc chứng bệnh này. Nỗi ám ảnh chuyển thành một cái án khủng khiếp sau khi đứa con đầu cũng bị kết luận mắc bệnh tự kỷ.

Chồng chị T.H mắng vợ là "chỉ vớ vẩn" khi chị thông báo với chồng về bệnh tình của các con. Đã thế, nỗi bất hạnh càng lớn khi đồng nghiệp cứ vô tình chạm vào lúc họ kể cho nhau nghe những mẩu chuyện về những đứa con ngộ nghĩnh, khỏe mạnh, thông minh.

Một thân một mình đi tìm thầy tìm thuốc chữa chạy cho con, tình cờ chị T.H biết rằng Hà Nội đang có một câu lạc bộ có tới mấy trăm gia đình có con mắc bệnh tự kỷ. Nỗi ám ảnh về sự bất hạnh của chị như được vợi đi  khi nghe một bà mẹ đồng cảnh ngộ chia sẻ. "Mình đã mất tới 6 tháng để thuyết phục chồng rằng con đang gặp phải một vấn đề gì đó rất nghiêm trọng. Đó là lúc mình không hề biết đến bệnh tự kỷ (autism) là một căn bệnh khó chữa mà số bác sĩ trên toàn thế giới hiểu tường tận về nó chỉ đếm trên đầu ngón tay". Người mẹ nọ đã mô tả căn bệnh rằng, nếu khuôn mặt một người bị tạt a-xít bị biến dạng một cách khủng khiếp thì trẻ bị tự kỷ giống như một người bị tạt a-xít vào khả năng tư duy vậy. Khả năng tư duy của bé bị biến dạng!

Chị T.H tìm hiểu về căn bệnh và thấy rằng mình đã quá chậm trễ vì đã luôn cố tin rằng hai đứa con chỉ chậm nói. Trong khi hai đứa con chị, đặc biệt là cậu con thứ hai bộc lộ rất rõ căn bệnh qua những dấu hiệu "cờ đỏ" đúng như mô tả ở tài liệu chị tìm trên. Đó là: không bập bẹ khi 12 tháng tuổi; không biết ra hiệu, chỉ tay, vẫy tay, bắt tay... khi 12 tháng tuổi; không nói được từ đơn khi 16 tháng tuổi; không tự nói câu hai từ khi 24 tháng tuổi. Cả hai đứa đều chẳng thiết giao tiếp với cả những người thân như ông bà hay bạn đồng tuổi trong khu tập thể.

Quyết tâm khắc phục bệnh tình cho con bằng phương hướng đầu tiên là dạy cho con nói. Chị T.H đã tham khảo cách làm của một bà mẹ mãi tận TP.HCM, đó là phải luôn kiên trì, nghị lực vì con đường giúp các bé hòa nhập thật là gian khó. Đó là phải luôn nhẹ nhàng với bé, luôn tỏ thật lòng yêu thương và luôn bên cạnh các con để chúng cảm thấy một môi trường an toàn, thoải mái không có áp lực, cho chúng biết các thông tin đang diễn ra xung quanh và cơ hội để khẳng định mình. Chị cũng cố bỏ những thói quen cũ là bất lực mắng con: "Nói cho mẹ biết con muốn gì đi!" khi cậu bé cứ khóc mà chẳng chịu nói hoặc chỉ cho chị là nó muốn cái gì. Điều này có vẻ hiệu nghiệm khi có lúc cậu bé con đã nói suốt những từ chưa rõ như "mamama" với thái độ vui vẻ.

Chị T.H cũng cảm thấy tự tin hơn khi biết rằng nguyên do của tự kỷ đã được khoa học xác định rõ là không phải do cha mẹ bỏ con sớm quá để đi làm, cũng không phải cha mẹ hay ông bà quá chăm sóc con cháu hoặc do gien di truyền. Nhưng điều chị lo lắng vô cùng là hiện nay không có một nơi nào từ Bắc chí Nam thuộc Nhà nước chữa trị chứng tự kỷ. Do đó những kiến thức mà chị thu thập được để về hướng dẫn các con tập nói, tập trung tìm hiểu các sự vật lại đều là sự chia sẻ từ những người mẹ người cha đồng cảnh ngộ quen biết ở câu lạc bộ thành lập tự phát. Đây cũng chính là mong mỏi của rất nhiều gia đình có con mắc bệnh tự kỷ về hy vọng có một trung tâm hoặc khoa trực thuộc bệnh viện của Nhà nước chuyên nuôi dạy, chăm sóc trẻ tự kỷ.

Hải Nguyệt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.