Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, sáng nay (26.8), bão Pakhar đã đi vào phía đông khu vực bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 7 năm 2017. Hồi 7 giờ sáng cùng ngày, sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 - 90 km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo, cơn bão này sẽ di chuyển nhanh theo hướng tây bắc trong 24 giờ tới, sau đó chuyển hướng, di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc. Khoảng sáng 28.8, tâm bão nằm trên khu vực phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) được xác định là khu vực phía bắc vĩ tuyến 16,0 độ vĩ bắc, phía đông kinh tuyến 111,0 độ kinh đông.
Trong khi đó, sáng sớm nay (26.8), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,9 độ vĩ bắc và 112,8 độ kinh đông trên khu vực giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, tức là từ 40 - 50 km/giờ, giật cấp 8.
Dự báo, trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới giữ nguyên cường độ và di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 km. Cho đến 4 giờ ngày mai (27.8), tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển các tỉnh Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 230 km về phía đông.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm có gió mạnh cấp 6 trở lên, giật cấp 8, biển động mạnh là từ vĩ tuyến 11,0 - 17,0 độ vĩ bắc và phía tây kinh tuyến 115,0 độ kinh đông.
tin liên quan
Lốc xoáy tại Hà Tĩnh làm 2 người bị thương, nhiều nhà dân tốc máiDo ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, một trận lốc xoáy vừa xảy ra tại địa bàn huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), khiến 2 người bị thương và nhiều ngôi nhà bị tốc mái.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, ở vùng biển phía đông khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; khu vực nam Biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và giông mạnh, cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6 - cấp 8.
Sáng nay (26.8), Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà và các bộ, ngành trung ương triển khai ngay các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Theo đó, các tỉnh ven biển phối hợp với lực lượng biên phòng tuyến biển liên lạc với các chủ tàu để hướng dẫn tránh ra xa, thoát khỏi vùng nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới. Các địa phương quản lý chặt chẽ tàu thuyền, rà soát nơi neo đậu ven biển, quanh các đảo để các phương tiện tránh trú, ứng phó với áp thấp nhiệt đới. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các tỉnh ven biển sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu.
Bình luận (0)