TNO

Trên khán đài, cà khịa mới vui

10/07/2014 20:40 GMT+7

(iHay) Người Pháp hát “Allez les Bleus” thì người Đức hét “Adieu les Bleus”, dân Argentina ưỡn ngực “Giáo hoàng là người Argentina” thì dân Brazil hô to “Chúa là người Brazil”.

(iHay) Người Pháp hát “Allez les Bleus” thì người Đức hét “Adieu les Bleus”, dân Argentina ưỡn ngực “Giáo hoàng là người Argentina” thì dân Brazil hô to “Chúa là người Brazil”.

>> Đồ lưu niệm Brazil giảm giá sốc sau trận thua kinh hoàng tại World Cup
>> Dân mạng đua nhau chế ảnh trận Brazil gặp Đức

Trên khán đài, cà khia mới vui 1
Dân Brazil chọc tức người Argentina bằng khẩu hiệu: Neymar > Messi

Trên khán đài sân Beira-Rio ở Porto Alegre, tôi hỏi Don Electrón, một cổ động viên nhiệt tình quá mức của Argentina: “Tại sao các anh cứ phải chế nhạo bóng đá Brazil hoài vậy?”. Don cười: “Brazil thua chúng tôi thật chứ... Mà có như vậy mới vui”. Tôi rất khoái cái vế sau của lời giải thích, đặc biệt là sau khi đã lăn lộn cùng cổ động viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau, cùng hát với họ trên khán đài cũng như trong các cuộc nhậu. Có lẽ từ khi người ta nghĩ ra chuyện tổ chức trận đấu giữa các đội tuyển thì cũng từ đó đã có trò cà khịa nhau giữa các cổ động viên.

Tại World Cup lần này, dân Argentina có vẻ nổi tiếng nhất về mặt trêu chọc đối thủ, chủ yếu là kỳ phùng địch thủ Brazil. Đi tới đâu họ cũng giơ cao khẩu hiệu hoặc hát đi hát lại điệp khúc “Maradona vĩ đại hơn Pele”. Tất nhiên là dân Brazil cũng không vừa, họ một mặt chế ra bài hát để phản công, mặt khác giơ cao các biểu ngữ với những dòng chữ đầy khiêu khích, chẳng hạn “Neymar > Messi”. Phản công lại Argentina, dân Brazil cũng không quên đi tấn công cổ động viên các nước khác. Trong khi dân Chile hát “Chichichi, Lelele, Viva Chile” (Chile, mãi mãi Chile) thì dân Brazil giễu nhại: “Tchau tchau tchau, Lelele. Tchau tchau Chile” (Tạm biệt Chile).

Gây thù chuốc oán nhiều nên cổ động viên Argentina cũng bị người ngoài tấn công không ngớt. Tôi nhớ hồi World Cup 2010, trên khán đài trận Đức - Argentina ở Cape Town, dân Đức giương biểu ngữ rất sáng tạo: “Không cần Bàn tay của Chúa, bởi đã có Đôi chân của Oezil”. “Bàn tay của Chúa” là biệt hiệu đặt cho một bàn thắng mà Diego Maradona đã ghi... bằng tay hồi World Cup 1986. Người Đức muốn nói rằng họ đã có đôi chân của Ozil thì đâu cần đến kiểu ghi bàn bằng tay nữa. Trong trận đấu đó, dân Đức còn giơ cao biểu ngữ “Tạm biệt Maradona” (Tschuss Maradona) khi đội bóng của họ thắng đậm Argentina. “Tschuss Maradona” thậm chí đã được chế thành bài hát mô phỏng giai điệu bài Guantanamera nổi tiếng của Cuba và tới nay cổ động viên Đức vẫn còn hát hoài.

Trên khán đài, cà khia mới vui 2
Khẩu hiệu này có nghĩa: “Giáo hoàng người Argentina, nhưng Chúa người Brazil. Tiến lên Thụy Sĩ”

Trên khán đài, cà khia mới vui 3
“Vĩnh biệt nước Pháp” là thông điệp mà cổ động viên Đức gửi tới đối phương

Trên khán đài, cà khia mới vui 4

Tại World Cup lần này, dân Argentina, lại là Argentina, đi đâu cũng mang theo những niềm tự hào của họ: Diego Maradona mà họ gọi là Chúa, Giáo hoàng Francis và Lionel Messi. Hình ảnh ba nhân vật này luôn hiện diện khắp nơi, giữa những con người mang áo kẻ sọc xanh màu da trời. Đến khi Argentina lên Sao Paulo đá với Thụy Sĩ, người Brazil đã thay mặt dân Thụy Sĩ đứng ra cà khịa với tấm biển mang dòng chữ: “Giáo hoàng người Argentina nhưng Chúa là người Brazil. Tiến lên Thụy Sĩ”.

Nói về chuyện chọc tức nhau chơi thì có lẽ người Đức là bậc thầy về sự nhẹ nhàng mà không kém phần trầm trọng. Nhẹ nhàng ở đây là ngôn từ không mấy khiêu khích, đao to búa lớn; còn trầm trọng ở đây là đánh trực diện vào những niềm tự hào hoặc các khẩu hiệu của đối phương. Hôm trên khán đài thánh địa bóng đá Maracana ở Rio de Janeiro, tôi đã bắt gặp một biểu ngữ của người Đức với lời lẽ rất đơn giản nhưng phải nói là rất sáng tạo. Số là người Pháp xưa nay đi cổ vũ cho đội tuyển khi nào cũng đồng thanh “Allez les Bleus” (Tiến lên đội áo xanh lam), hôm diễn ra trận tứ kết Đức - Pháp, một anh chàng Đức đã nhại theo, chỉ sửa đúng một từ quan trọng nhất. Khẩu hiệu của anh ta là: “Adieu les Bleus”, về số từ, âm điệu gần như giống bản đồng ca của người Pháp, chỉ có ý nghĩa thì khác hoàn toàn. “Adieu” có nghĩa là vĩnh biệt nhé.

Trong các trò trêu tức nhau, việc nhằm vào tên một ngôi sao nào đó của đối phương để “dìm hàng” là khá phổ biến. Hồi Hà Lan gặp Brazil trong trận tứ kết World Cup 2010 tại Port Elizabeth, trên khán đài, cổ động viên Brazil đã giơ cao dòng chữ: “Chỉ có một Robben, và đó là tên một hòn đảo”, ý nói anh chàng Arjen Robben của Hà Lan sẽ bị cô lập giống như hòn đảo Robben, nơi từng giam giữ lãnh tụ Nelson Mandela của Nam Phi trong nhiều năm. Ở World Cup lần này, những trò chơi khăm như vậy cũng diễn ra nhan nhản. Hôm diễn ra trận Anh - Ý, có bạn cổ động viên Anh giơ khẩu hiệu, “Tên anh là Immobile, đó là lý do tại sao anh không thể ghi bàn”. Số là Ý có tiền đạo Ciro Immobile, mà trong tiếng Anh thì “immobile” có nghĩa là “bất động”. Anh chàng “răng nhọn” Luis Suarez của Uruguay cũng là mục tiêu ưa thích của cổ động viên đối phương trong giải đấu trên đất Brazil.

Khán đài luôn là một phần hấp dẫn của trò chơi bóng đá. Khán đài của World Cup càng hấp dẫn hơn, bởi ở đó người ta tìm thấy những thông điệp, âm thanh, sắc màu của những nền văn hóa khác nhau. Và trong cái thế giới sống động đó, những khẩu hiệu chọc tức nhau luôn hiện diện như một phần không thể thiếu. “Tôi giơ biểu ngữ này lên không chỉ để chọc người Pháp mà còn để mang lại may mắn cho chúng tôi”, anh chàng giơ cái biểu ngữ “Adieu les Bleus” nổi tiếng giải thích với tôi.

 Đỗ Hùng
(từ Brazil)

>> Màn biểu diễn độc đáo của 'người không xương' ở Sao Paulo
>> World Cup 2014: Vỡ bụng với ảnh chế Tim Howard ‘bắt đâu dính đấy’
>> Dân mạng thích thú với 'Em của ngày hôm qua' phiên bản World Cup 2014
>> World Cup 2014 trên Facebook = Oscar + Super Bowl + Olympic

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.