Trên quê hương Azit Nexin: Capadocia - cuộc hành trình về quá khứ

04/07/2011 01:11 GMT+7

Rất nhiều người Việt Nam biết đến Thổ Nhĩ Kỳ vì đất nước này là quê hương của nhà văn Azit Nexin - tác giả của Những người thích đùa, đã được rất nhiều thế hệ bạn đọc người Việt yêu mến.

Theo lời mời của Tổng cục Du lịch và Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines) thông qua Công ty du lịch Hương Giang (Hương Giang Travel), từ TP.HCM, đoàn nhà báo Việt Nam đã bay đến Istanbul và nối chuyến bay thẳng về thành phố di sản Capadocia.

Nằm ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ, cách Istanbul khoảng 1 giờ 30 phút bay, Capadocia nằm trên một vùng đồi núi bao la, ít cây xanh, nhiều gió cát.


Những phụ nữ Hồi giáo tham quan  di sản Goreme Open Air Museum - Ảnh: C.M.H

Thành phố di sản

Vừa đặt chân đến  vùng đất này,  tôi có cảm tưởng như đây là một thành phố hoang, một vùng đất như bị thế giới quên lãng từ lâu lắm. Những ngôi nhà cùng những con người sống dưới lòng đất, những di tích ngàn năm như ngủ quên trong những hang núi, dưới những lòng đất lạnh. Sự im lặng  bao trùm cả một không gian rộng lớn tưởng như khó có sự sống... Thế nhưng, chỉ cần tích tắc, tôi như bị lạc vào một thế giới thật sống động, một thành phố của hơn ngàn năm trước hiện về cùng những vinh quang và thăng trầm của nó - cũng như của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Goreme Uchisar, một thị trấn lạ lùng nhất thế giới mà tôi gặp khi đến vùng Capadocia này. Cả một thị trấn với hàng ngàn cư dân, với những ngôi nhà, nhà hàng, khách sạn được khoét sâu vào trong vách núi hoặc dưới lòng đất. Hàng đoàn du khách từ u sang Á đang hiện diện tại nơi này với những ánh mắt ngỡ ngàng đến lạ như tôi vậy.

Có thể nói Capadocia là nơi thể hiện một nền văn minh rực rỡ của người Thổ Nhĩ Kỳ thời cổ và trung đại.  Nơi này có đến 2 địa điểm được tổ chức UNESCO công nhận là  Di sản văn hóa thế giới từ năm 1985. Đó là Goreme Open Air Museum, một trung tâm của đạo Cơ đốc giáo với nhiều tu viện, nhà thờ, nhà nguyện cùng những sinh hoạt bí mật của người Cơ đốc giáo thời Trung cổ được xây dựng trong những hang núi từ khoảng thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ thứ 13. Theo giới khảo cổ của Thổ Nhĩ Kỳ, quần thể này có đến 250 nhà thờ, nhà nguyện với rất nhiều hình vẽ được phát hiện.

Di sản thứ hai chính là hệ thống 40 thành phố ngầm mà tôi được tham quan 1 trong 40 thành phố đó. Ozkonak còn khá nguyên vẹn dưới lòng đất, được xây dựng từ trước Công nguyên (nhiều nhà khoa học giả thuyết rằng toàn bộ hệ thống thành phố ngầm này xây dựng từ thế kỷ thứ 7, thứ 8  đến thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên). Nhiều nhà khảo cổ cho rằng hệ thống thành phố ngầm này có thể cung cấp chỗ ở và thức ăn cho 60 ngàn cư dân trong vòng 3 tháng nếu có chiến tranh xảy ra.

Tôi đã đi sâu vào lòng đất để cảm nhận sự sống của hơn hai ngàn năm trước như thế nào khi nơi này có cả một hệ thống thành trì, nơi ở của cư dân cổ cùng nhà thờ, nơi cất giữ lương thực, cả những vết khói còn in hằn vào vách đá và cả nơi... nấu rượu. Quả là diệu kỳ cho một loại thức uống mà chắc người cổ đại cũng dùng nó để sưởi ấm và đối ẩm với bằng hữu hoặc nâng chén khi chiến thắng kẻ thù để tồn tại dưới lòng đất này.


Một nữ vũ công trong điệu múa bụng - Ảnh: C.M.H

Múa bụng và tắm Thổ

Trước khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, tôi cũng có tìm hiểu về nghệ thuật múa bụng của người Thổ, nhưng quả là bất ngờ món “đặc sản” này đang trở thành “quốc sản” của người Thổ. Trong 10 ngày đêm có mặt ở Thổ, đoàn chúng tôi đã có đến 3 đêm được chiêu đãi... múa bụng.

Tại Capadocia, khi nghe cô hướng dẫn nói là sẽ đưa cả đoàn đi xem múa bụng, không những cánh mày râu náo nức, mà cả phái yếu trong đoàn cũng háo hức không kém. Có lẽ trước một loại hình nghệ thuật dùng hình thể người phụ nữ để chuyển tải cái đẹp phục vụ công chúng ở một đất nước Hồi giáo là điều mà chúng tôi muốn đi tìm lời giải và để cảm nhận xem nó như thế nào.

 Địa điểm nơi để biểu diễn múa bụng có cái tên thật giản dị: Cave. Cave được xây dựng trong một hang động, ăn sâu vào lòng đất. Để cho không khí thêm phần hồi hộp và chờ đợi, các nhà tổ chức du lịch Thổ Nhĩ Kỳ đã biến sàn diễn thành một nơi đậm không khí huyền bí với những điệu múa cổ, sau đó thì vũ công mới xuất hiện và bắt đầu biểu diễn múa bụng.

Quả là có  “mục sở thị” thì mới hiểu sự kỳ công và gian khổ của các nữ vũ công. Làm sao để cho cả “3 vòng” chuyển động một cách thật đồng bộ, khéo léo theo từng điệu nhạc và hơi thở là một điều không dễ dàng chút nào. Tất nhiên, loại hình nghệ thuật nào chắc cũng có những biến tướng của nó hoặc có thể để phục vụ du khách mà có những nơi các nữ vũ công “sẵn sàng” cởi áo, sờ bụng khách để có được những đồng dira (tiền Thổ) nhét vào những nơi “nhạy cảm” trên cơ thể của họ. 

 Nói đến Thổ Nhĩ Kỳ, người ta cũng thường nói đến cụm từ “tắm Thổ” như là một “đặc sản” khác của người Thổ. Một phòng tắm Thổ thường có thể chứa cả chục người. Bạn có thể chọn cho mình một nàng Thổ xinh xắn hoặc một chàng Thổ lực lưỡng rậm râu tắm cho bạn mà không hề thấy có gì trở ngại cả. Nhưng tuyệt nhiên là không hề có những “động thái táy máy” đâu, dù bạn có thể là Adam trăm phần trăm. Chúng tôi như được “tẩy bụi trần” khi được những bàn tay nhẹ nhàng cùng hàng tá bọt xà phòng “lướt” trên cơ thể. Thích đến nỗi có thành viên trong đoàn khi quay lại Istanbul quyết “lùng” cho ra một nhà tắm Thổ hoạt động suốt trăm năm qua từ khi ra đời mà cho đến hôm nay vẫn còn tấp nập khách.

Từ hình ảnh những nữ vũ công múa bụng rất sexy đến hình ảnh hàng đoàn phụ nữ với trang phục đạo Hồi xếp hàng tham quan di tích của những người Cơ đốc giáo và hình ảnh những chàng trai, cô gái Thổ tắm cho những du khách như chúng tôi trong trang phục Adam, tôi chợt nghĩ đất nước Thổ Nhĩ Kỳ  thật “thoáng” dù trên danh nghĩa có đến 99% người dân theo đạo Hồi.

Cao Minh Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.