"Treo diễn" được không?: Làm nghiêm, nghệ sĩ phải theo

18/02/2012 10:17 GMT+7

Điều quan trọng nhất là phải có những quy định rạch ròi, chi tiết để khi áp dụng, mọi người phải tâm phục khẩu phục.

Điều quan trọng nhất là phải có những quy định rạch ròi, chi tiết để khi áp dụng, mọi người phải tâm phục khẩu phục.

Một nhà tổ chức biểu diễn nói điều quan trọng là phải nâng cao trách nhiệm của các đơn vị tổ chức biểu diễn, sau đó là ý thức của từng cá nhân. Các nhà tổ chức biểu diễn phải răn đe những người định tung chiêu trò bằng sự mạnh tay của mình mà trong đó cắt diễn là một biện pháp.

Cuộc sống sẽ đào thải

Đạo diễn Đinh Anh Dũng nói: “Thực hiện nhiều chương trình biểu diễn nên tôi cũng vài lần bị nhắc nhở chuyện một vài ca sĩ, diễn viên múa ăn mặc phản cảm, hở hang khi biểu diễn. Tất nhiên, đạo diễn và nhà tổ chức sẽ là người đầu tiên chịu trách nhiệm nếu để tình trạng đó xảy ra. Nhưng theo quan điểm cá nhân, tới thời điểm này, tôi chưa thấy điều gì quá đáng cả. Và việc xử phạt “treo diễn” khi thành luật thì mọi người phải tuân thủ. Thế nhưng, điều đó có cần thiết hay không?”.

Nhà sản xuất chương trình Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cát Tiên Sa, nói: “Không ai muốn mình xấu, phản cảm hay trở thành tâm điểm đàm tiếu của công luận cả. Cái quan trọng là mọi thứ diễn ra tùy theo trình độ văn hóa, nhận thức của mỗi người mà thôi”.

Theo đạo diễn Đinh Anh Dũng: “Treo diễn thì được rồi nhưng như thế nào để bị “treo diễn” mới là vấn đề. Cấm hở ngực, hở đùi rồi nghệ sĩ hở chỗ khác có bị “treo diễn” hay không? Đó là câu hỏi cần được lý giải trước khi áp dụng hình phạt. Thực tế, nghệ sĩ nào quá đáng trong ăn mặc tự khắc bị loại trừ, đó là quy luật của biểu diễn”.

 
Trang phục như thế này thì được coi là gợi cảm hay phản cảm. Trong ảnh: Ca sĩ Yến Trang trong một tiết mục biểu diễn. Ảnh: C.T.V

Chỉ mang tính răn đe

Đạo diễn Trần Vi Mỹ cho rằng: “Tôi thấy đề xuất “treo diễn” của Cục Nghệ thuật biểu diễn mang tính răn đe nhiều hơn và khó để thực hiện. Giống như chuyện hát nhép rõ ràng và dễ bắt hơn chuyện hở hang, phản cảm nhưng việc thực hiện cũng không mấy triệt để. Trong khi đó, việc đánh giá về sự hở hang, phản cảm mang tính chủ quan lắm và khó có thể thuyết phục được nhiều người, đặc biệt là người trong cuộc. Nếu có quy định cụ thể, chế tài chắc chắn sẽ đạt hiệu quả hơn. Chính vì vậy, tôi thấy cần xây dựng quy định trước khi áp dụng chế tài.

Ông Nguyễn Quang Minh  nói xử phạt phải có sức thuyết phục, người khác mới nghe theo. Theo ông, trong trường hợp đề nghị đó thành luật thì chắc chắn mọi người dân phải thi hành. Nhưng điều quan trọng là họ thi hành nhưng có phục hay không mới quan trọng. Chính vì vậy, để có thể phạt mà người bị phạt tâm phục khẩu phục, cần soạn thảo cụ thể những quy định như thế nào là hở hang, phản cảm mới là việc quan trọng. 

Không nên “đánh trống bỏ dùi”

Khi được hỏi về tính khả thi đối với việc “treo diễn” nghệ sĩ, một bầu sô có tiếng của Hà Nội đặt câu hỏi liệu thanh tra bộ và các sở văn hóa – thể thao và du lịch có đủ người để kiểm tra, xử lý? Và thực tế, khi chưa có một tiêu chí cụ thể như thế nào là hở hang, phản cảm thì việc xử lý xem ra khó khả thi.

Một ca sĩ nổi tiếng nói thẳng thắn rằng nhiều quyết định đưa ra, ban đầu thì nói rất mạnh nhưng khi thực hiện thì chẳng đến đâu, vì thế nghệ sĩ không sợ, thậm chí còn đua nhau lên sân khấu mặc càng hở, càng ngắn để nhanh nổi tiếng. Nếu bây giờ nhà tổ chức làm nghiêm, cơ quan quản lý mạnh tay thì chắc chắn sẽ có thay đổi. Bà Hoài Oanh, nhà tổ chức chương trình biểu diễn tại Hà Nội, khẳng định nếu làm chặt thì nghệ sĩ sẽ phải theo. Có văn bản quy định cụ thể, có chế tài nghiêm ngặt thì tự khắc nghệ sĩ phải tuân thủ để bảo vệ quyền lợi của mình.

Hàn Quốc siết chặt trang phục biểu diễn

Hàn Quốc là quốc gia áp dụng nhiều quy định và biện pháp để hạn chế tình trạng trang phục hở hang, phản cảm trong biểu diễn nghệ thuật. Năm 2010, nước này đã công bố dự luật mới cấm các ngôi sao ca nhạc trẻ mặc các trang phục thiếu vải trong lúc biểu diễn trên các chương trình truyền hình quốc gia vào buổi tối. Dự luật này nhằm bảo đảm quyền lợi biểu diễn và hướng các ngôi sao trẻ đến một môi trường biểu diễn lành mạnh hơn.

Đạo luật này được ban hành khi dân Hàn phản đối các trang phục khoe da thịt của các ca sĩ nữ và đi cùng với nó là các động tác vũ đạo rất khêu gợi. Dự luật chính thức có hiệu lực từ năm 2011.

Cơ quan giám sát vấn đề phản cảm là Ủy ban Tiêu chuẩn truyền thông Hàn Quốc thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hàn Quốc. Tiêu chí thế nào là trang phục phản cảm vẫn còn chung chung như cấm quần soóc ngắn (hot pants), áo sơ mi ngắn (miniskirts), quần áo cách điệu phần eo khoe da (crop tops).

Thêm vào đó, mỗi đài truyền hình quy định một tiêu chuẩn riêng và có khác nhau khiến nghệ sĩ bối rối khi phải tìm cách tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn. Như chương trình âm nhạc ăn khách Inkigayo của đài SBS quy định cấm 3 kiểu trang phục: áo xẻ cổ quá sâu, áo để hở rốn và mặc quần soóc trắng phía dưới váy ngắn. Các đài truyền hình chịu trách nhiệm kiểm soát trang phục của ca sĩ trước khi lên sóng.

Ngay khi dự luật cấm trang phục phản cảm ban hành, Ủy ban Tiêu chuẩn truyền thông Hàn Quốc cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông tư vấn cho nghệ sĩ các kiểu trang phục để không xúc phạm người xem.

Hàn Quốc bắt đầu kiểm duyệt trang phục biểu diễn từ năm 2000, sau khi 3 hãng truyền thông lớn của nước này phát sóng quá nhiều màn diễn của ca sĩ và diễn viên trong trang phục thiếu vải. Tuy nhiên, do không quy định rõ ràng nên việc quản lý rất lỏng lẻo. Sau 10 năm, khán giả tiếp tục lên tiếng và chính phủ quyết định thắt chặt nhưng thực tế rất khó để xác định như thế nào là trang phục phản cảm một cách cụ thể.

M.Khuê (Theo Korea, Asian)

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.