Được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 9.2009 trên diện tích đất ven biển 400 ha, dự án du lịch lớn nhất miền Trung - dự án Bãi biển Rồng (Dragon Beach) ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có tổng vốn đầu tư 4,15 tỉ USD vừa bị tỉnh này thu hồi giấy phép do không thể thực hiện ký quỹ đảm bảo đầu tư 4 triệu USD theo quy định. Các dự án du lịch sinh thái biển Pegasus Fund 1, khu du lịch Quê Việt và một số dự án của các nhà đầu tư trong nước cũng bị tỉnh Quảng Nam cảnh cáo.
Tình trạng này cũng diễn ra tại tỉnh Bình Thuận. Hiện có trên 400 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư, nhưng chỉ 40% dự án được triển khai.
Tại Ninh Thuận, mới đây UBND tỉnh đã quyết định thu hồi giấy phép đầu tư dự án Khu du lịch (KDL) Resort Phú Thuận và đang tiếp tục rà soát lại một loạt dự án du lịch “treo” để tiến hành thu hồi giấy phép đầu tư. Riêng đối với dự án KDL Bình Tiên, trong buổi động thổ (tháng 10.2009), chủ đầu tư tuyên bố sẽ đưa vào hoạt động vào năm 2012, nhưng đến nay mới trình đề án phê duyệt chi tiết 1/500 khu trung tâm dịch vụ du lịch. Ngày 6.7, trong buổi làm việc với chủ đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê bình “triển khai quá chậm so với tiến độ”.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trên suốt chiều dài 18 km bờ biển của H.Đất Đỏ (từ mũi Kỳ Vân đến cửa biển Lộc An) được phủ kín bởi 37 dự án du lịch nhưng tiến độ triển khai thực hiện cũng rất chậm. Có những dự án giao đất 5 - 7 năm nhưng vẫn ì ạch. Đơn cử như KDL nghỉ dưỡng Kawasami của Công ty CP du lịch và đầu tư Nam Hải được giao đất từ năm 2003 với tổng diện tích 13,28 ha, tổng số vốn đăng ký là 159 tỉ đồng, nhưng mới thực hiện được 11,6 tỉ đồng. Sau đợt kiểm tra của chính quyền địa phương hồi tháng 3.2010, doanh nghiệp này cam kết sẽ thi công phần hạ tầng biển, đường nội bộ trong quý 2/2010. Thế nhưng, sau đó lại làm thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch từ KDL nghỉ dưỡng thành khu biệt thự nhà ở. Hay KDL sinh thái nghỉ dưỡng Tuyết Minh do DNTN Tuyết Minh làm chủ đầu tư có diện tích 2 ha, được giao đất từ năm 2004 nhưng cũng mới chỉ xây được phần tường rào bao quanh. KDL Ngọc Hải của Công ty TNHH Đại Phát Tài được thỏa thuận địa điểm từ năm 2006 và phê duyệt quy hoạch 1/500 vào năm 2007, đến nay vẫn giậm chân tại chỗ...
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh có 159 dự án đầu tư du lịch đã được thỏa thuận địa điểm hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư trên tổng diện tích 6.042 ha, nhưng đến nay nhiều dự án vẫn triển khai quá chậm. Ngoài nguyên nhân do vướng mắc ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, còn do chủ đầu tư tìm mọi cách trì hoãn triển khai. Khi đoàn kiểm tra của Sở VH-TT-DL và các cơ quan chức năng đến kiểm tra thì chủ đầu tư đối phó bằng cách thuê người đến xây dựng hàng rào, cổng bảo vệ, trồng cây xanh... cho dự án để cầm chừng, sau đó lại ngưng.
Nhóm PV
Bình luận (0)