Treo thưởng để xóa nghèo

01/03/2014 10:43 GMT+7

Quảng Nam được xem là địa phương đầu tiên thí điểm cơ chế thưởng bằng các chính sách về giáo dục, y tế, tiếp tục cho vay... đối với các hộ nghèo khi họ chủ động đăng ký thoát nghèo bền vững.

Treo thưởng để xóa nghèo
Hộ thoát nghèo bền vững ở Quảng Nam được thưởng bằng nhiều hình thức linh hoạt - Ảnh: H.X.H

Không muốn... thoát nghèo

Tình trạng người nghèo không muốn... thoát nghèo để được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi của nhà nước vốn dĩ nảy sinh ở nhiều địa phương chứ không riêng Quảng Nam. Nhưng tại Quảng Nam, câu chuyện này rất được dư luận chú ý, kể từ cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền hồi tháng 7.2012. Lúc đó, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thẳng thắn nhìn nhận có thực tế đáng lo về tâm lý ỷ lại của một bộ phận người nghèo và cam kết kiểm tra, rà soát nếu hộ nào chây lười lao động sẽ cương quyết loại khỏi danh sách. Tại phiên giải trình về phân bổ nguồn lực và cơ chế chính sách giảm nghèo do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức hồi tháng 9.2013, một ĐBQH ở Quảng Nam cũng đặt vấn đề phải chấm dứt ngay tình trạng người dân ”muốn” nghèo và xem xét lại chính sách áp dụng trên thực tế...

Hồi cuối tháng 1.2013, tỉnh Quảng Nam yêu cầu mở đợt phúc tra về số lượng hộ nghèo, cận nghèo tăng đột biến ở miền núi vì báo cáo sơ bộ của Sở LĐ-TB-XH đã không thuyết phục được UBND tỉnh. Hàng loạt địa phương có tỉ lệ hộ nghèo quá cao đã “không phản ánh đúng thực trạng phát triển kinh tế-xã hội và nguồn vốn đầu tư tại các địa phương đó”, theo nhận định của UBND tỉnh trong văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ. Nhiều huyện miền núi có tỉ lệ hộ nghèo cao như Nam Trà My (75,76%), Nam Giang (69,33%), Phước Sơn (61,55%), Bắc Trà My (58,31%)…

Khen thưởng thí điểm

Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Nam, khẳng định với PV Thanh Niên rằng hiện chỉ có Quảng Nam thí điểm cơ chế thưởng bằng các chính sách về giáo dục, y tế, tiếp tục cho vay để hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Đây là cơ chế nằm trong Đề án thí điểm khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2014-2015 được UBND tỉnh Quảng Nam thông qua và sắp trình HĐND tỉnh phê duyệt tại kỳ họp gần nhất (trong tháng 4.2014). Không chỉ động viên, khích lệ kịp thời đối với hộ thoát nghèo, xã thoát nghèo và thôn thoát nghèo bền vững, nêu gương điển hình và phát động phong trào thoát nghèo, đề án này còn nêu rõ mục tiêu “từng bước xóa bỏ dần tình trạng không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước”.

Tỉ lệ hộ nghèo ở Quảng Nam thời điểm tháng 7.2012 đã ở mức báo động 20,9%, tức cao gấp đôi so với bình quân chung của cả nước. Hồi giữa đầu tháng 2.2014, con số này giảm xuống còn 14,91%, theo kết quả công bố mới nhất. Tuy nhiên, ít nhất 5 huyện miền núi gồm Nam Trà My, Nam Giang, Bắc Trà My, Phước Sơn, Tây Giang có số hộ nghèo vượt tỉ lệ 50%, cá biệt như Nam Trà My (72,05%)… Những số liệu điều tra khảo sát này đòi hỏi địa phương không chỉ rà soát lại các chương trình - mục tiêu giảm nghèo bền vững, mà còn tìm cách khơi dậy nội lực ở từng hộ nghèo, thậm chí giúp họ vượt qua tâm lý ỷ lại. Trong đó, cơ chế khen thương thí điểm là cú hích ấn tượng.

Đề án xác định, đối với hộ tự nguyện đăng ký thoát nghèo, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục cấp miễn phí thẻ BHYT người nghèo 2 năm; miễn học phí cho học sinh các cấp phổ thông; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em 3-5 tuổi theo mức 120.000 đồng/em/tháng; cấp bù học phí cho sinh viên học chính quy 2 năm liên tục. Đặc biệt, được tiếp tục vay vốn tối đa 20 triệu đồng/hộ với lãi suất bằng lãi suất vay của hộ cận nghèo trong vòng 36 tháng. Các thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn sẽ được thưởng bằng công trình công cộng với trổng trị giá 40 tỉ đồng trong 2 năm 2014-2015. Được biết, trong tổng dự toán thực hiện hơn 142 tỉ đồng, riêng khoản cho vay theo lãi suất ưu đãi chiếm 100 tỉ đồng.

Hứa Xuyên Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.