Tri ân đóng góp thầm lặng của tình nguyện viên tôn giáo tại bệnh viện dã chiến

Khánh Trần
Khánh Trần
01/11/2021 16:13 GMT+7

Trong nhiều tháng qua, ngoài lực lượng nhân viên y tế, nhiều tình nguyện viên từ các tôn giáo khác nhau cùng vào tuyến đầu chống dịch Covid-19 . Khi tình hình dịch dần ổn định, họ lại trở về với cuộc sống của mình.

Sáng 1.11, Bệnh viện dã chiến số 12 (P.Bình Khánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM) tổ chức lễ tri ân 14 tình nguyện viên tôn giáo hoàn thành việc tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Buổi lễ đón và tri ân được tổ chức đơn giản trong bầu không khí tình cảm.

Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, UBMTTQ Việt Nam TP.HCM, Ban Tôn giáo TP.HCM cùng lãnh đạo Bệnh viện dã chiến số 12 tổ chức lễ đón và tri ân 14 tình nguyện viên hoàn thành tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Buổi lễ được tổ chức đơn giản và tình cảm

khánh trần

Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM Phan Kiều Thanh Hương gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các tình nguyện viên tôn giáo đã cùng các y bác sĩ tại đây chữa trị cho bệnh nhân, san sẻ những khó khăn, đồng thời chăm sóc cho cả y bác sĩ.

khánh trần

Sau 1 tháng tham gia tình nguyện chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 12, sơ Trương Thị Kim Phương (thứ 2 từ trái sang) vẫn nhớ như in khoảnh khắc vui mừng, phấn khích khi các bệnh nhân nhận thông báo xuất viện. Tham gia công tác hậu cần tại đây, sơ Phương nhận lại nhiều niềm vui, khi được góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Sơ Phương cho biết, tuy mỗi người mỗi việc, nhưng luôn hợp tác với nhau, chia sẻ những khó khăn trong công việc với chung mục đích là chữa trị cho bệnh nhân. 1 tháng không dài nhưng chẳng ngắn, sơ Phương chia sẻ đã trải nghiệm thêm được nhiều điều trong cuộc sống

khánh trần

Sau 3 tháng tham gia tình nguyện tại Bệnh viện dã chiến số 12, cũng đến lúc sư Dương Hữu Tùng chia tay với các y bác sĩ tại đây. Đăng ký tình nguyện ngay khi có thông báo kêu gọi, từng theo học gây mê hồi sức, sư Tùng chủ động đăng ký làm điều dưỡng. Sau khi được các y bác sĩ, điều dưỡng ôn tập lại kiến thức, sư Tùng vào việc ngay. Thời gian đầu, khá vất vả với bộ đồ bảo hồ và khẩu trang kín mít, khi tua trực kéo dài, nhưng sư Tùng đều đã vượt qua. Suốt 3 tháng chiến đấu với Covid-19, có những sự ra đi của bệnh nhân khiến cho sư rất đau lòng, cùng với sự trăn trở khi chứng kiến bệnh nhân vật lộn với Covid-19 để giành sự sống

khánh trần

Không phân biệt tôn giáo, các tình nguyện viện tại đây luôn đồng sức đồng lòng chống dịch, ân cần, quan tâm lẫn nhau. Đôi khi rảnh rỗi, các tình nguyện viên cũng tìm hiểu về tôn giáo lẫn nhau. Sắp trở về với cuộc sống thường nhật, họ và các bác sĩ tranh thủ lưu giữ phương thức liên lạc để hàn huyên khi có thể

khánh trần

Những phần quà, kèm theo bằng khen và thư cảm ơn được trao tặng cho các tình nguyện viên tôn giáo tại lễ tri ân

khánh trần

Chia sẻ với Thanh Niên về các tình nguyện viên tôn giáo, BS Lưu Ngọc Đông, Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến số 12 cho biết, các tình nguyện viên tham gia chống dịch tại đây với nhiều công việc khác nhau. Người tham gia chăm sóc bệnh nhân, người lo hậu cần, người làm công việc bàn giấy nhưng không vì thế mà có sự so đo thiệt hơn. Ở bệnh viện dã chiến, mọi công việc đều liên quan đến nhau, mỗi việc là một mắt xích, thiếu một công việc thì tổng thể khó vận hành. “Nhiều tình nguyện viên tham gia ở đây, cứ thầm lặng làm việc, bất kể nặng nhẹ gì cũng chẳng than vãn mà chỉ chăm chăm vào làm. Chúng tôi rất biết ơn vì điều đó”, BS Đông nói.

khánh trần

Trước khi trở về với cuộc sống riêng, họ cũng không quên nhắc lại chuyện đã qua như những kỷ niệm đẹp, cùng lời hứa sẽ đến thăm nhau khi TP.HCM khỏe lại

khánh trần

Cũng theo BS Lưu Ngọc Đông, trong thời gian vừa qua, khoảng 50 tình nguyện viên tôn giáo đã tham gia hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 12.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.