Tại Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch Covid-19 của ngành y tế TP.HCM diễn ra vào ngày 30.10, bác sĩ Phạm Minh Huy, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chia sẻ về quá trình điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện hồi sức Covid-19. Đây là bệnh viện do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách, có sự chi viện của hàng chục bệnh viện khác.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (bên trái) và những bệnh nhân đầu tiên xuất viện tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 |
DUY TÍNH |
Không có hộ lý
Theo bác sĩ Huy, thời gian đầu khi mới hoạt động, Bệnh viện hồi sức Covid-19 gặp không ít khó khăn về nhân lực và vật lực. Nhưng đến thời điểm đầu đỉnh dịch, đã có sự hỗ trợ tích cực của UBND TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM, Bộ Y tế gửi các đoàn y tế trong cả nước đến chi viện. Bệnh viện hồi sức Covid-19 đã có 1.790 người là các y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, dược sĩ và các nhân viên, tình nguyện viên khác tham gia. Ngoài nguồn nhân lực ra, bệnh viện còn được hỗ trợ các loại thiết bị máy móc, thuốc men dùng trong công tác cứu chữa bệnh nhân.
Y bác sĩ tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 |
NGỌC DƯƠNG |
Bệnh viện hồi sức Covid-19 là bệnh viện không có lực lượng hộ lý, cho nên việc chăm sóc bệnh nhân phải nhờ vào lực lượng tình nguyện viên là các sinh viên từ các trường đại học, lực lượng tình nguyện viên tôn giáo giúp đỡ chăm sóc bệnh nhân”, bác sĩ Huy nói và cho biết mỗi ngày ngoài việc chăm sóc, vệ sinh và lo ăn uống cho người bệnh thì các tình nguyện viên còn trò chuyện để bệnh nhân có tinh thần thoải mái hơn. Điều này đã kéo được rất nhiều bệnh nhân từ tình trạng xấu từ từ hồi phục. Ngoài ra bệnh viện cũng cho phép người thân là F0 điều trị chung để phụ chăm sóc, đã làm giảm đi rất nhiều gánh nặng về nguồn nhân lực cho bệnh viện.
Nhìn lại 5 tháng TP.HCM gồng mình chống cơn 'sóng thần' Covid-19 |
Nhưng trước khi có tình nguyện viên, các điều dưỡng thay nhau làm công việc của hộ lý và bác sĩ thì làm thay công việc của điều dưỡng.
Trong quá trình công tác, không thể tránh khỏi việc lực lượng nhân viên y tế, tình nguyện viên trở thành F0 hoặc F1 không triệu chứng nhưng vẫn tiếp tục cống hiến cứu giúp những bệnh nhân nặng.
Những con số kinh hoàng
Bác sĩ Huy thông tin, vào thời điểm đỉnh dịch giữa tháng 9, những con số đáng buồn là điều không thể tránh khỏi. “Số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện tăng dần và đạt tới đỉnh từ ngày 13.8 đến 16.8 và kéo dài đến 13.9 với khoảng 700 bệnh nhân, sau đó giảm dần và tới hiện tại là 150 bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân tử vong cũng xảy ra tương ứng, tăng dần và đạt đỉnh vào ngày 15.9 với gần 30 ca/ngày và hiện nay còn dưới 5 ca/ ngày.
Niềm tin chiến thắng đại dịch |
CTV |
“Cho đến thời điểm ngày 29.10, Bệnh viện hồi sức Covid-19 đã điều trị gần 4.000 bệnh nhân. Trong đó số bệnh nhân xuất viện hoặc chuyển giảm độ tới các bệnh viện dã chiến là 2.549 bệnh nhân và đáng buồn là đã có 1.270 bệnh nhân đã không qua khỏi”, bác sĩ Huy chia sẻ.
Bác sĩ Huy nhận định, trải qua thời gian dài chiến đấu cùng với dịch Covid-19, lực lượng nhân viên y tế tại đây đã đúc kết cho mình nhiều kinh nghiệm thực tiễn để ngày một cải thiện tốt hơn việc chăm sóc điều trị cho các bệnh nhân. Vì vậy, một dấu hiệu đáng mừng là số ca nguy kịch và tử vong tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 đã giảm đi một cách đáng kể.
Tối 13.7, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM (được tạm chuyển đổi công năng từ Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, P.Tân Phú, TP.Thủ Đức, TPHCM) đã bắt đầu nhận 10 bệnh nhân Covid-19 nặng. Đến ngày 15.7, bệnh viện chính thức nhận bệnh, vận hành.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 có quy mô 1.000 giường có sẵn. Ban đầu có 100 giường săn sóc đặc biệt thực hiện hồi sức nâng cao, hồi sức tích cực cho các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng. Qua từng giai đoạn, bệnh viện nâng công suất lên 250 giường, 500 giường và 700 giường, thậm chí là 1.000 giường hồi sức nếu số bệnh nặng tăng lên.
Bệnh viện hồi sức Covid-19 với sự tham gia của các y của cả nước. Bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Chợ rẫy, Bệnh viện Ung bướu và các y, bác sĩ được luân phiên đến công tác từ các bệnh viện đa khoa hạng 1 của TP.HCM, các tỉnh và Trung ương do Bộ Y tế điều động. Về trang thiết bị y tế chuyên dùng như máy thở, máy lọc máu, ECMO...
Bình luận (0)