Nhìn lại 5 tháng TP.HCM gồng mình chống chọi cơn 'sóng thần' Covid-19

Đợt dịch Covid-19 thứ tư ở TP.HCM bùng phát từ cuối tháng 5.2021. Đến nay, thành phố đã trải qua tròn 5 tháng chống dịch bệnh với vô vàn mất mát và đau thương. Gần 1 tháng qua, nhiều hoạt động của thành phố đã bắt đầu trở lại trong sự cảnh giác cao độ với dịch bệnh nhưng có lẽ khoảng thời gian vừa qua sẽ còn được nhớ mãi

TP.HCM những ngày cuối tháng 10.2021, đường sá đã đông đúc trở lại nhưng khó mà tìm thấy những nụ cười sau những lớp khẩu trang.

Covid-19 như một cơn bão đã quét qua thành phố năng động và hiện đại này suốt 5 tháng qua. Và cơn bão ấy vẫn đang ở lại nơi này, lẩn quẩn, đe dọa hàng triệu người dân.

Bạn trẻ trở lại đường sách Nguyễn Văn Bình sau thời gian giãn cách xã hội

LÊ NAM

Đợt dịch Covid-19 thứ tư ập vào Việt Nam có dấu mốc từ ngày 27.4.2021, khi cơ quan chức năng phát hiện một ca nhiễm tại Yên Bái là một nhân viên khách sạn. Ca mắc này đã nhiễm một biến thể từ Ấn Độ, có khả năng lây nhiễm mạnh; mà sau này người ta gọi là biến thể Delta.

Sau 3 đợt dịch, nhiều người có thể không nghĩ rằng đợt dịch thứ tư lại nguy hiểm đến thế.

Kỳ nghỉ lễ đông đúc

Ngày 1.5.2021, một lượng xe và người đã ùn ùn đổ về thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). CSGT Công an thành phố Đà Lạt phải mướt mồ hôi điều tiết. Thời điểm đó, UBND tỉnh Lâm Đồng còn đề nghị người dân hạn chế sử dụng xe ô tô cá nhân khi chưa thật sự cần thiết trong những ngày lễ để ưu tiên không gian lưu thông cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Hình ảnh xe cộ đông đúc ở TP.Đà Lạt vào ngày 30.4.2021

gia bình

Cũng thời điểm đó, vào chiều 1.5.2021, một số lượng lớn người dân và du khách đổ xô tắm biển khiến các bãi biển tại thành phố Đà Nẵng trở nên quá đông đúc trong giờ cao điểm.

Cuộc sống bình thường mới cứ thế diễn ra dẫu còn nhiều bất ổn, bất ổn một cách bình thường. Thế nhưng, chứng kiến cảnh biển đông nghịt khiến nhiều người không khỏi lo lắng trước dịch bệnh Covid-19 đang chực chờ tái bùng phát.

Bãi biển Đà Nẵng đông nghịt người vào ngày 1.5.2021

huy đạt

Làn sóng dịch Covid-19 thứ tư tràn đến TP.HCM

Ngày 18.5.2021, nhiều người ở chung cư Sunview Town (nằm trên đường Gò Dưa, phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức, TP.HCM) đột ngột trở về nhà lúc giữa trưa. Dịch bệnh Covid-19 chưa bao giờ gần với người dân chung cư này đến vậy khi Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông báo thông tin về một người đàn ông 35 tuổi có kết quả dương tính Covid-19. Đợt dịch thứ tư bắt đầu lan tới TP.HCM.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho cư dân chung cư Sunview Town ngày 18.5.2021

nguyễn anh

Ở thời điểm tháng 5.2021, một loạt chuỗi lây mà đặc biệt là tại điểm nhóm Truyền giáo Phục Hưng đã khiến nhiều người vô cùng lo lắng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, kể từ ngày 31.5.2021, chính quyền TP.HCM đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo chỉ thị 15/2020 của Thủ tướng chính phủ, không tụ tập trên 5 người trở lên ngoài công sở, bệnh viện, trường học. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (thuộc quận 12) thì phong tỏa toàn bộ trong vòng 15 ngày kể từ 31.5 đồng thời phải giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Kể từ thời điểm này, TP.HCM bước vào giai đoạn giãn cách xã hội suốt nhiều tháng trời với nhiều khó khăn và mất mát do dịch bệnh.

Giãn cách xã hội theo từng mức độ khác nhau

Một chốt chặn được dựng lên ở đường Phan Huy Ích (thuộc quận Gò Vấp) sáng 31.5.2021, ngày đầu tiên TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội trong đợt dịch thứ tư. Nhiều người dân buộc phải quay đầu xe do ở đây đã thành lập chốt phong tỏa để phòng dịch Covid-19 theo yêu cầu của UBND TP.HCM. Trước chốt chặn này đã xảy ra ùn ứ giao thông. Có hàng trăm chốt kiểm soát Covid-19 sau đó đã được lập ra ở khắp TP.HCM, từ trên quốc lộ cho đến các con hẻm.

Chốt kiểm soát ở đường Phan Huy Ích (Q.Gò Vấp) vào ngày 31.5.2021

Nguyễn anh

Chiều 20.8.2021, rất đông người đã tới siêu thị Emart (ở quận Gò Vấp, TP.HCM) để mua thực phẩm, hàng hóa sau khi nghe thông tin TP.HCM siết chặt hơn các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, theo tinh thần "ai ở đâu ở yên đó". Có thời điểm, lực lượng bảo vệ phải khép cổng để hạn chế lượng người vào siêu thị.

Bên trong siêu thị, rất đông người tập trung ở các mặt hàng như thịt, hải sản, rau củ và mì ăn liền. Nhân viên siêu thị phải liên tục bổ sung các mặt hàng. Tuy nhiên, tại các kệ để rau, củ, hải sản đã không còn mặt hàng để bổ sung. Những hình ảnh này, bất đắc dĩ, đã trở nên quen thuộc trên mặt báo, trên ti vi ở trước mỗi thời điểm thành phố gia tăng mức độ giãn cách xã hội.

Quầy rau củ ở siêu thị Emart (Gò Vấp) trống trơn vào chiều 20.8

nguyễn anh

Sáng 23.8.2021, đường sá TP.HCM vắng tanh, rất ít xe cộ trừ các lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch. Đây là ngày đầu tiên thành phố thực hiện giải pháp chống dịch “ai ở đâu ở yên đó”.

TP.HCM đã nhiều lần thay đổi biện pháp giãn cách xã hội. Từ Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 10 của UBND TP.HCM, Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM, và các biện pháp tăng cường mạnh mẽ được thực hiện đến ngày 30.9. Cho đến trước khi Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM được ban hành thì các quy định về mức độ giãn cách xã hội trước đó mỗi lúc một gia tăng khiến cho cuộc sống người dân gặp muôn vàn khó khăn và bất tiện. Thật khó tin khi thành phố năng động và hiện đại nhất cả nước lại có những ngày vắng lặng như thời điểm ấy.

Mất mát và đau thương

Các lực lượng chống dịch căng sức thực hiện nhiệm vụ, thế nhưng, con số ca nhiễm mới vẫn tăng lên mỗi ngày. Từ hàng chục lên đến hàng trăm và ngày 9.7.2021, TP.HCM lần đầu tiên ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới một ngày, tổng số ca nhiễm mới cũng vượt qua con số 10.000. Chưa đầy một tháng sau, ngày 3.8, số ca nhiễm tại TP.HCM vượt qua mức 100.000 ca và đến thời điểm cuối tháng 10.2021 đã là hơn 400.000 ca. Cùng với đó là những nỗi đau không thể nói hết bằng lời.

Sáng 2.6.2021, Bệnh viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM báo cáo ca tử vong do Covid-19 đầu tiên tại TP.HCM. BN5463 là một phụ nữ 37 tuổi liên quan đến chuỗi lây tại quán bánh canh trong hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3). Cũng kể từ đó, con số về bệnh nhân tử vong vì Covid-19 mỗi lúc một tăng. Tính đến cuối tháng 10.2021, chỉ tính riêng tại TP.HCM, số bệnh nhân Covid-19 tử vong đã lên tới hơn 16.000 sinh mạng; chiếm đa số trong số hơn 22.000 người tử vong vì dịch bệnh trên cả nước.

Những con số thật vô hồn, thế nhưng phía sau đó là hàng vạn gia đình mất đi người thân, hàng ngàn đứa trẻ phải mồ côi cha, mồ côi mẹ hoặc mồ côi cả mẹ và cha. Mỗi sinh mạng mất đi để lại thêm những bi kịch và sự sợ hãi vì tính khốc liệt của dịch bệnh.

Lực lượng chức năng đưa hũ cốt của người mất vì Covid-19 về với gia đình

Ngọc dương

Cuối tháng 7.2021, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một cái lán dựng tạm bằng mấy tấm bạt ở hẻm 171 đường Nguyễn Tư Giản (quận Gò Vấp). Nơi này có 4 người thợ hồ quê ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa bị mắc kẹt lại TP.HCM vì dịch bệnh Covid-19. Họ cầm cự qua ngày bằng mì tôm, bữa đói bữa no. Thông tin về hoàn cảnh của họ được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và báo chí và họ được các mạnh thường quân ghé thăm, giúp đỡ.

Túp lều tạm của những người thợ hồ mắc kẹt lại TP.HCM

nguyễn anh

Rất khó khăn, nhưng họ vẫn là những người may mắn vì có tới hàng triệu người dân sống ở TP.HCM bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Covid-19 đã khiến nhiều hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội bị đình trệ; cùng với đó là nhiều người thất nghiệp, điêu đứng vì dịch bệnh.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê vào ngày 12.10 cho biết dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã khiến thị trường lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Tình hình lao động việc làm quý 3 trở nên tồi tệ, số người thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao chưa từng thấy.

Biểu đồ số lao động chịu tác động xấu bởi đại dịch Covid-19 trong quý 3 năm 2021

Quỳnh phương

Số lao động chịu tác động xấu bởi đại dịch Covid-19 trong quý 3 tăng thêm 15,4 triệu người, lên hơn 28,2 triệu người do bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Trong số này có 4,7 triệu người bị mất việc; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập. Đáng chú ý, khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là 2 vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tỉ lệ thiếu việc làm tăng lên tới 4,46%, đặc biệt là ở TP.HCM tăng tới 8,5%.

Biểu đồ số lao động chịu tác động xấu bởi đại dịch Covid-19 trong quý 3 năm 2021

quỳnh phương

Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý 3 năm 2021 chỉ là 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng, so với các quý trước và so với cùng kỳ năm 2020 sụt giảm nghiêm trọng và trở thành mức thu nhập thấp nhất được ghi nhận trong nhiều năm trở lại đây. Mức sụt giảm được ghi nhận ở hầu hết các ngành kinh tế.

Tỉ lệ thiếu việc làm tăng cao ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long

quỳnh phương

Hệ quả là những dòng người ùn ùn từ vùng dịch phía Nam đổ về quê. Theo Vụ Thống kê dân số và lao động, trong quý 3, có khoảng 1,3 triệu lao động về quê trong đợt dịch thứ tư vì cuộc sống quá khó khăn.

Tuyến đầu chống dịch

Cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 suốt 5 tháng qua đã để lại quá nhiều mất mát, đau thương. Thế nhưng, đã có rất nhiều bệnh nhân vượt qua được ranh giới sinh tử, chiến thắng bệnh tật.

Và những người tạo nên phép màu đó là các y bác sĩ từ hàng chục bệnh viện dã chiến, trung tâm điều trị của các bệnh viện. Từ nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế, hàng ngàn bệnh nhân nặng và nguy kịch đã chiến thắng tử thần để hồi phục và trở về.

Các bác sĩ, nhân viên y tế chạy đua với tử thần để giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19

thanh hương

Không chỉ có lực lượng tại chỗ, trong những thời điểm dịch bệnh Covid-19 cam go nhất, TP.HCM còn được sự chi viện của các đoàn công tác đến với thành phố trong chuyến công tác đầy hy sinh vất vả mà không chút do dự. Nhiều người phải xa con thơ, cha già mẹ yếu, thậm chí không thể về vĩnh biệt người thân.

Hàng trăm quân nhân, học viên quân y vào chi viện TP.HCM chống Covid-19 ngày 21.8

thanh hương

Theo báo cáo từ Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 30.9, tổng lực lượng tham gia phòng chống dịch trên địa bàn TPHCM là 187.275 người. Trong đó, tổng số nhân lực của các bộ, ngành trung ương hỗ trợ TPHCM là gần 29.000 người.

Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 lớn chưa từng có

Cùng với chiến lược điều trị đa tầng, hàng triệu liều vắc xin cũng được phân bổ cho TP.HCM để góp phần hạ nhiệt dịch bệnh. Suốt 5 tháng qua, TP.HCM đã mở nhiều đợt tiêm chủng lớn, có những thời điểm thực hiện hàng trăm ngàn mũi tiêm một ngày. Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến cuối tháng 10.2021, toàn thành phố tiêm cho người trên 18 tuổi đạt hơn 99% mũi 1 và khoảng 80% đã tiêm mũi 2.

Học sinh THPT được tiêm vắc xin Covid-19 ở Củ Chi vào ngày 27.10

nguyễn anh

Ngày 27.10, tại Củ Chi, những học sinh đầu tiên trên cả nước đã được tiêm vắc xin Covid-19. Đây cũng là những mũi vắc xin đầu tiên được tiêm cho người dưới 18 tuổi. Những mũi vắc xin mang theo hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi, cuộc sống trở lại bình thường và trẻ em được đến trường.

TP.HCM còn gần 1,4 triệu người chờ tiêm mũi 2 khi đến hạn. Thành phố còn khoảng 2,3 triệu liều vắc xin các loại.

Đảm bảo an sinh - xã hội cho người dân

Ngày 2.9.2021, những chiếc xe đạp thồ tưởng như chỉ có trong những ký ức xa xôi của những người lớn tuổi bỗng xuất hiện ngay trên đường phố TP.HCM. Bộ đội Quân khu 7 đã dùng xe đạp thồ để chở quà là lương thực, thực phẩm vào trong tận nhà dân trong các con hẻm ở TP.HCM.

Bộ đội dùng xe đạp thồ để chuyển lương thực cho người dân gặp khó khăn

nguyễn anh

Suốt 5 tháng dịch bệnh, cũng là lúc các gói hỗ trợ, gói an sinh từ chính phủ, từ TP.HCM và các cơ quan, ngành chức năng được chuyển tới tay hàng triệu người nghèo, người khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Cùng với đó là tấm lòng của các tổ chức tôn giáo, tổ chức thiện nguyện và các cá nhân cùng chung tay hỗ trợ làm nhẹ bớt đi sự khốc liệt của dịch bệnh.

Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 7 diễn ra ngày 25.7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định rằng, dịch bệnh đã khiến thành phố thực sự gặp phải những khó khăn chưa từng có tiền lệ khi phải chiến đấu với sự lây lan của biến chủng Delta.

“Chúng ta đã làm được rất nhiều việc, cứu được nhiều người nhưng cũng còn rất nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được. Đó là niềm đau chung, là khuyết điểm của hệ thống chính trị, khuyết điểm của người đứng đầu các cấp. Chúng ta xin nhân dân lượng thứ", bí thư Nguyễn Văn Nên phát biểu.

Sức sống dần trở lại với thành phố

Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM có hiệu lực từ ngày 1.10.2021 với nội dung về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi phát triển kinh tế, xã hội đã dần đưa nhịp sống thành phố trở về với mức “bình thường mới”. Gần 1 tháng qua, nhiều hoạt động của thành phố đã bắt đầu trở lại trong sự cảnh giác cao độ với dịch bệnh.

Giờ đây, người dân đã có thể thưởng thức ly cà phê mát lạnh tại quán sau thời gian dài giãn cách

lê nam

Những ngày tháng đã qua có lẽ sẽ còn được nhớ mãi. Covid-19 đã che mất đi nụ cười của người dân thành phố sau những lớp khẩu trang; thế nhưng, Sài Gòn - TP.HCM với sức sống của thành phố năng động nhất cả nước đã và đang đập lại nhịp đập cũ, tươi trẻ hơn và mãnh liệt hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.