10 bài học kinh nghiệm chống dịch Covid-19 ở TP.HCM

Duy Tính
Duy Tính
31/10/2021 06:16 GMT+7

Tại hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch Covid-19 do Sở Y tế TP.HCM tổ chức ngày 30.10, ngành y tế TP.HCM rút ra 10 bài học kinh nghiệm chống dịch Covid-19.

Thứ nhất, lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo tập trung, huy động cả hệ thống chính trị và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các sở ban ngành và quận, huyện, TP.Thủ Đức một cách đồng bộ. Thực hiện hiệu quả chiến lược “mỗi phường, xã, thị trấn là một pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ”. Trong đó, vai trò của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện và phường, xã đóng vai trò quyết định.

Thời điểm đầu dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM, năng lực xét nghiệm chưa tương xứng với tình hình

ĐỘC LẬP

Thứ hai, xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo dịch, xây dựng tình huống và kịch bản diễn tập tương ứng từng cấp độ dịch là rất cần thiết và mang ý nghĩa quyết định cho sự chủ động khi ứng phó với dịch bệnh. Kịp thời phát hiện các địa bàn có nguy cơ chuyển sang cấp độ dịch cao hơn để chủ động có giải pháp can thiệp. Triển khai xét nghiệm theo hướng trọng tâm, trọng điểm và triển khai thần tốc để phát hiện quản lý F0 trong xử lý ổ dịch; phối hợp linh hoạt giữa kỹ thuật PCR và test nhanh kháng nguyên để dập dịch nhanh chóng.

Nhìn lại 5 tháng TP.HCM gồng mình chống cơn 'sóng thần' Covid-19

Thứ ba, việc cách ly F0 để ngăn chặn sự lây lan là cần thiết, nhưng không nhất thiết phải cách ly tập trung, chỉ cách ly tập trung khi không đủ điều kiện cách ly tại nhà; nhiều khu cách ly tập trung với quy mô nhỏ gắn liền với địa bàn phường, xã thì tốt hơn cách ly tập trung với quy mô cấp quận, huyện hay thành phố. Cho dù cách ly tại nhà hay cách ly tập trung phải gắn liền với chăm sóc, điều trị và cung ứng gói thuốc, gói an sinh…

Thứ tư, phát huy chiến lược điều trị theo 2 trụ cột: chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng và điều trị tại bệnh viện. Huy động mọi nguồn lực để phát huy hiệu quả mô hình trạm y tế lưu động trong chăm sóc F0 tại nhà. Củng cố hệ thống điều trị 3 tầng, triển khai mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng nhằm chăm sóc tốt nhất cho người bệnh và hạn chế tối đa các nguy cơ khi chuyển viện.

Thứ năm, huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho công tác phòng, chống dịch, bao gồm: tăng cường phối hợp quân dân y, y tế công lập và tư nhân, đông tây y kết hợp, phát huy vai trò hiệu quả của các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức thiện nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch. Mỗi quận, huyện phải có kế hoạch phòng, chống dịch chủ động, huy động nguồn nhân lực tại chỗ và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chi viện. Thành phố sẵn sàng hỗ trợ và chi viện nguồn nhân lực chống dịch khi các quận, huyện gặp khó khăn.

Thứ sáu, phát huy sự phối hợp hiệu quả của lực lượng quân đội, công an và ngành y tế trong việc hỗ trợ cho các địa phương ngay từ đầu về bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn trật tự xã hội, tổ chức cách ly nghiêm ngặt, chăm sóc và điều trị tại nhà, tại các bệnh viện dã chiến cho F0.

Thứ bảy, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng từ thành phố đến phường, xã. Điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút và đảm bảo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, nhất là trạm y tế phường, xã, thị trấn.

Thứ tám, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm công tác thu thập, tổng hợp và phân tích dữ liệu chính xác, kịp thời để tiến hành đánh giá cấp độ dịch thường xuyên ở từng địa bàn phường, xã, thị trấn. Xây dựng nguồn dữ liệu tin cậy, làm cơ sở dự báo để kịp thời khống chế dịch hiệu quả. Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch, phát huy hiệu quả công nghệ tư vấn, sàng lọc từ xa giúp tạo sự an tâm cho người bệnh và kịp thời kích hoạt hệ thống cấp cứu tại nhà khi người bệnh có dấu hiệu trở nặng.

Thứ chín, vắc xin là chiến lược lâu dài và hàng đầu trong phòng, chống dịch bệnh. Ưu tiên tiêm vắc xin cho những đối tượng có nguy cơ cao (thai phụ, người trên 50 tuổi, có bệnh nền, béo phì...) và lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Thứ mười, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng các công nghệ mới trong giám sát, dự báo dịch bệnh, chăm sóc và điều trị F0 ở các tầng.

Covid-19 sáng 31.10: 915.603 ca nhiễm, 818.336 ca khỏi | Miền Tây nóng rực vì dịch bệnh

Từng bộc lộ nhiều hạn chế

Cũng tại hội nghị, sau khi cùng tưởng niệm những bệnh nhân Covid-19 qua đời, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã có những đánh giá lại về công tác phòng chống dịch ở đợt dịch thứ 4 trên địa bàn TP.HCM.

Theo TS-BS Vĩnh Châu, đợt dịch thứ 4 tại TP.HCM bắt đầu từ ngày 27.4. Đến hết ngày 30.10, TP.HCM phát hiện tổng cộng hơn 427.000 ca nhiễm, trong đó có 16.632 ca tử vong.

TS-BS Vĩnh Châu cho biết bên cạnh những thuận lợi, TP.HCM cũng bộc lộ một số hạn chế trong phòng chống dịch. Theo đó, công tác dự báo chưa theo kịp diễn tiến thực tế dịch bệnh khi chủng Delta được ghi nhận, cảnh báo trên thế giới, nên chưa có phương án đối phó kịp thời.

Ở thời điểm đầu của dịch, kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR là chủ yếu để phát hiện F0, nhưng năng lực xét nghiệm chưa tương xứng, chưa đạt yêu cầu với tốc độ lây lan quá nhanh của chủng Delta, khiến ca bệnh lây lan nhanh và sâu vào cộng đồng. Có những thời điểm lấy mẫu rất nhiều nhưng trả kết quả thì chậm, mất đi ý nghĩa của xét nghiệm phát hiện F0, xử lý giảm lây lan.

Bên cạnh đó, chiến dịch tiêm vắc xin trên quy mô lớn chưa từng có tại TP.HCM, nhưng triển khai trong thời gian rất ngắn, huy động nhiều lực lượng nhân viên y tế dẫn đến tình trạng kỹ năng không đồng đều giữa các đội tiêm, nhập số liệu chưa đảm bảo, cũng chưa đảm bảo tuân thủ giãn cách.

Trước tháng 7, việc cách ly tập trung tất cả F0 dẫn đến quá tải, gây áp lực cho các F0. Điều đó cũng khiến bệnh viện dã chiến không đáp ứng đủ khả năng nhận bệnh, nhân viên y tế quá tải công việc, khả năng chăm sóc phục vụ điều trị có hạn. Rất nhiều F0 không được chăm sóc đầy đủ, cũng như không phát hiện kịp thời những F0 chuyển nặng để chuyển tuyến trên điều trị. Khi F0 chuyển qua cách ly tại nhà thì bộc lộ hạn chế là hệ thống y tế cơ sở không đáp ứng được nhu cầu khi số ca F0 tăng quá nhanh. Có giai đoạn nhiều F0 tại nhà chưa được chăm sóc, theo dõi một cách đầy đủ.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế, y tế dự phòng trong thời gian vừa qua chưa được đầu tư đúng mức, do đó dẫn đến quá tải khi tình hình dịch bệnh tăng cao đột biến. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin có nhiều hạn chế, phần mềm quản lý vắc xin, xét nghiệm, khai báo y tế chưa hiệu quả trong kiểm soát dịch bệnh.

Về nguyên nhân chủ quan, theo TS-BS Vĩnh Châu là chưa có dự báo đầy đủ và chưa có chương trình diễn tập chống lại đại dịch. Hệ thống y tế cơ sở, y tế công cộng chưa được đầu tư đúng mức, không đáp ứng được khi F0 tăng cao. Chưa có chính sách thu hút hệ thống y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch, dù hệ thống y tế tư nhân tự nguyện tham gia nhiều…

Đề xuất tiêm mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao

Ngày 30.10, Sở Y tế TP.HCM cho biết trong 2 tháng cuối năm (tháng 11 và 12) thành phố tiêm vét vắc xin Covid-19 mũi 1 và mũi 2 cho người dân. Đến cuối tháng 11 sẽ tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin cho trẻ em (đã tiêm được 216.510 trẻ từ 12 - 17 tuổi).

Sở Y tế đề xuất trong 2 tháng cuối năm TP.HCM tiêm nhắc mũi 3 cho nhóm có nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ngoài ra, đến năm 2022, TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên. Đồng thời tiêm mũi 3, mũi 4 cho người đủ thời gian theo quy định của Bộ Y tế.

Tính đến hết ngày 29.10, TP.HCM đã tiêm hơn 13 triệu liều vắc xin, mũi 1 hơn 7,3 triệu liều và mũi 2 hơn 5,7 triệu liều.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.