Tri ân lính Hoàng Sa

06/04/2012 03:29 GMT+7

Trong hai ngày 5 và 6.4 (ngày 15-16 tháng ba âm lịch), tại đình làng An Vĩnh, 13 tộc họ trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức Lễ khao lề tế (thế) lính Hoàng Sa. Đây là nghi lễ có từ hàng trăm năm nay nhằm tri ân những binh phu đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia ngoài Hoàng Sa.

Trong hai ngày 5 và 6.4 (ngày 15-16 tháng ba âm lịch), tại đình làng An Vĩnh, 13 tộc họ trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức Lễ khao lề tế (thế) lính Hoàng Sa. Đây là nghi lễ có từ hàng trăm năm nay nhằm tri ân những binh phu đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia ngoài Hoàng Sa.

Đông đảo du khách từ TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội cũng kịp có mặt trong ngày lễ thiêng liêng này. Công ty du lịch Quảng Ngãi đã mở hẳn một tour Quảng Ngãi - Lý Sơn để đón du khách ở xa kịp ra đảo trước ngày diễn ra lễ hội.

Chị Trần Thị Minh Tâm, du khách đến từ Đà Nẵng tỏ ra háo hức trước khi lên tàu ra đảo: “Tôi nghe nói về lễ khao lề này từ nhiều năm trước và mong một lần tham gia, nhưng mãi đến nay mới thực hiện được ý định đó. Hy vọng là tôi sẽ “gặp” một Hoàng Sa qua không khí cũng như nghi thức của lễ khao lề này”.

Ngay từ chiều 5.4, một lễ yết nghinh thần được các bô lão ở Lý Sơn tiến hành rất trang trọng. Theo cụ ông Lê Hiển Đạt, lễ yết nghinh thần được xem như lời mời vong linh các chiến sĩ Hoàng Sa về sum vầy với con cháu trên đảo.

 
Thả thuyền trong Lễ khao lề - Ảnh: Trần Đăng

Sáng nay (6.4), từ m Linh tự - nơi thờ tự hàng trăm bài vị lính Hoàng Sa đã bỏ mình vì nước, một lễ rước chiến sĩ trận vong cũng được tiến hành bằng một nghi thức rất thiêng liêng. Đúng 9 giờ 30 ngày 6.4, Lễ khao lề tế lính Hoàng Sa chính thức bắt đầu tại đình làng An Vĩnh.

Có một thay đổi nhỏ trong cách gọi tên lễ năm nay, đó là Lễ khao lề tế lính Hoàng Sa. Chữ “thế” trước đây được thay bằng chữ “tế”. Ông Nguyễn Cậu, Trưởng ban khánh tiết đình làng Anh Vĩnh, lý giải: “Thực ra “tế” hay “thế” gì cũng có nghĩa cả. Ngày xưa, ông bà chúng tôi làm lễ “thế lính” bằng các hình nhân và thuyền bằng bè chuối, thầy pháp sẽ “yểm” vào số hình nhân này để người ra đi Hoàng Sa tin rằng mình đã có “hình nhân” chết thay. Còn “tế lính” là tưởng nhớ đến các binh phu đã hy sinh khi làm nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa. Năm nay, chữ “tế” được thay cho “thế” vì bây giờ chúng ta đang tưởng niệm và tri ân các bậc tiền nhân đã bỏ mình vì nước”.

Tên gọi có khác trước nhưng tấm lòng của hậu thế đối với tiền nhân thì vẫn nguyên vẹn như xưa. Ông Nguyễn Trung Thành, tục gọi là Nữ, người được sinh ra trong một gia đình có 7 đời làm nghề thầy cúng ở Lý Sơn, cũng lặn lội từ Đồng Nai về để kịp tham gia lễ. Ông nói: “Tôi giữ “nghề” này cũng vì quá yêu Hoàng Sa mà thôi. Cần phải luôn “hâm nóng” Hoàng Sa để con cháu biết rằng quần đảo ấy là của mình, được ông bà mình qua nhiều đời gìn giữ”.

Lễ tri ân lính Hoàng Sa hôm nay cũng mang một ý nghĩa đặc biệt đối với gia tộc họ Đặng ở Đồng Hộ, An Hải - nơi đã cất giữ “Tờ lệnh” từ thời Minh Mạng điều binh phu Lý Sơn ra Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền quốc gia từ năm 1834. Sau 3 năm kể từ ngày tộc họ Đặng ở Lý Sơn trao “Tờ lệnh” - một bằng chứng xác tín về chủ quyền của nước ta tại Hoàng Sa - cho đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam vào tháng 4.2009, chiều 5.4.2012, đại diện Ban biên giới Chính phủ mới mang bằng khen của Bộ Ngoại giao vào trao cho tộc họ Đặng ở Lý Sơn.

Những chiếc thuyền câu được làm bằng bè chuối, những hình nhân thế mạng lại “ra khơi” trong Lễ khao lề như nhắc nhở tất cả mọi người về những hy sinh lớn lao của cha ông trong việc bảo vệ Hoàng Sa từ hơn 300 năm trước.

TR.Đăng - H. Cừ - Đ.Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.