Trị chứng khô miệng

17/12/2008 22:04 GMT+7

Khô miệng có thể xuất hiện ở tất cả mọi lứa tuổi nhưng thường thấy ở những người nhiều tuổi. Yếu tố nào làm giảm lượng nước bọt? Nguy cơ làm khô miệng? Làm thế nào để điều trị?

Những người tuổi cao thường thấy khô miệng, do khi tuổi càng cao, sự tiết nước bọt có xu hướng giảm đi. Hiện tượng này cũng có thể nặng thêm do một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc giảm đau, thuốc giảm huyết áp..., cũng như sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc và cuối cùng là do mắc một số bệnh như  những bệnh tự miễn dịch, bệnh Parkinson, tai biến mạch máu não, bệnh Alzheimer, trầm uất, lo lắng, hay hội chứng khô miệng...

Điều trị chứng khô miệng là rất quan trọng vì khô miệng làm mất đi một phần cảm giác về mùi, vị, khiến nguy cơ mất dinh dưỡng cao hơn. Khi nước bọt không đủ, chất cặn bã của thức ăn không được loại bỏ, tạo ra mảng bám và gây nhiễm khuẩn miệng. Vì thế cần thường xuyên đến khám bác sĩ nha khoa và giải quyết những vấn đề về răng miệng dù nhỏ nhất.

Dĩ nhiên, vệ sinh răng miệng là không thể thiếu: chải răng sau mỗi bữa ăn hoàn toàn bằng chỉ tơ nha khoa.

Có rất nhiều mẹo nhỏ có thể giúp bạn giảm chứng khô miệng. Để tăng tính hiệu quả, chúng ta có thể áp dụng kết hợp:

  • Uống nhiều: nước, thậm chí là cả nước đá, nước ép trái cây... Uống nhiều hơn khi nói nhiều.
  • Hạn chế những đồ uống và thức ăn như cà phê, rượu, món cay và những thực phẩm nhiều muối.
  • Ăn trái cây tươi (dứa, cam, dưa hấu...)
  • Nhấm nháp kem, que kem hay nước quả có đá.
  • Nhai kẹo cao su không đường (không gây sâu răng) và đôi khi nhấm nháp cả kẹo không đường.
  • Đặt máy làm ẩm trong phòng.
  • Súc miệng thường xuyên.
  • Nếu cần thiết, có thể nhờ đến nước bọt nhân tạo bằng cách phun hay làm ẩm miệng thường xuyên với nước phun hơi.

Minh Ngọc
(Theo Santé)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.