Trị 'tận gốc' tiêu cực trong kê đơn thuốc

26/03/2016 00:00 GMT+7

Thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Dược (sửa đổi) hôm qua (25.3), nhiều đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về quản lý giá thuốc.

Thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Dược (sửa đổi) hôm qua (25.3), nhiều đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về quản lý giá thuốc.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Ảnh: Ngọc ThắngĐại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Ảnh: Ngọc Thắng
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Dược (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày cho biết dự thảo lần này đã tiếp thu, sửa đổi nhiều, với nhiều chính sách mới, như ưu tiên phát triển y học cổ truyền; siết chặt quản lý việc bán rộng rãi một số loại thuốc có nguy cơ dễ bị lạm dụng hoặc dễ gây kháng thuốc.
Siêu thị có thể bán thuốc
Đáng chú ý, dự thảo lần này quy định mở rộng dịch vụ bán thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân như cho phép bán một số loại thuốc theo danh mục hạn chế tại các cơ sở kinh doanh như siêu thị, cửa hàng tiện ích...
Tuy nhiên, đại biểu (ĐB) Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) nói: “Đã cho phép thì dễ lợi dụng bán tràn lan và khó quản lý, hệ quả không tốt cho sức khỏe người dân. Tôi thấy các siêu thị chỉ nên bán các thực phẩm chức năng hoặc mỹ phẩm. Còn bây giờ đưa thuốc tây vào đó sẽ rất khó”. Bên cạnh đó, ĐB Tính đề cập đến quy định bán thuốc kèm theo đơn bác sĩ đã có từ rất lâu nhưng không mấy hiệu thuốc thực hiện.
Tình trạng một số loại thuốc có giá còn cao, nguyên nhân là do độc quyền nâng giá, thuốc qua nhiều tầng lớp trung gian cũng như tiêu cực trong kê đơn
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM)
“Ở VN mua thuốc dễ hơn rau ngoài chợ. Hệ lụy là thuốc gây hậu quả không tốt cho sức khỏe người dân. Tôi đề nghị phải có quy định tăng thẩm tra chặt chẽ vấn đề này. Quy định xử phạt nặng, thậm chí đóng cửa thu hồi giấy phép vĩnh viễn những cơ sở vi phạm, như vậy mới nền nếp”, ĐB này đề nghị.
Hạn chế các tầng lớp trung gian
Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), mặc dù trong luật không có quy định nào về việc độc quyền nhập khẩu thuốc nhưng trong thực tế lại có chuyện hạn chế về cấp phép. Tình trạng này dẫn đến khan hiếm thuốc và thuốc qua nhiều tầng lớp trung gian nên đã đẩy giá thuốc lên cao. “Một hộp thuốc điều trị viêm gan C, giá các nhà thuốc lớn nhập về VN chỉ khoảng 200 USD, tương đương hơn 4 triệu đồng, trong khi đó người bệnh VN hiện giờ phải mua hộp thuốc này với giá 14 triệu đồng. Thật vô lý khi người dân ta còn nghèo mà phải dùng thuốc giá cao. Tôi đề nghị rà soát quy định ở trong luật, bổ sung, làm thế nào đó để không có kẽ hở cho việc hạn chế độc quyền nhập khẩu thuốc, dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc và nâng giá thuốc”, ĐB Cương nhấn mạnh.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) chỉ rõ: “Tình trạng một số loại thuốc có giá còn cao, nguyên nhân là do độc quyền nâng giá, thuốc qua nhiều tầng lớp trung gian cũng như tiêu cực trong kê đơn”. Từ đó ĐB này đề nghị bổ sung quy định hạn chế các tầng lớp trung gian. “Nếu chúng ta làm được điều này thì sẽ góp phần sắp xếp lại mạng lưới lưu thông phân phối thuốc đang quá thừa, với gần 2.000 công ty phân phối thuốc và một loại thuốc nếu như từ lúc nhập khẩu hay sản xuất ra đến tay người bệnh mà trải qua quá nhiều tầng lớp trung gian thì chắc chắn giá thuốc sẽ đội lên”, ĐB Lan nói đồng thời đề nghị không chỉ có một giải pháp đấu thầu mà còn mở hướng về định suất với khung giá thuốc do Bộ Y tế hay bảo hiểm y tế đàm phán được. Về chuyên môn, phải lưu ý đồng bộ xây dựng phác đồ điều trị chuẩn, chống lạm dụng thuốc cũng như tăng vai trò của hội đồng thuốc và điều trị thì mới trị tận gốc được vấn đề tiêu cực trong kê đơn.
Đề cập đến quy định công bố giá thuốc trúng thầu, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), bày tỏ: “Trên thực tế đang có tình trạng hai địa phương gần nhau, cùng một loại thuốc, cùng chất lượng, địa phương này mua giá 1 đồng, địa phương kia mua giá 1,5 đồng, về lý rất đúng nhưng về tình rất gian. Tức là mọi sự đúng quy trình, đúng pháp luật, chỉ có nhà nước mất tiền. Trong luật Đấu thầu chúng tôi kiểm tra cũng không có điều nào quy định sau khi đấu thầu xong kết quả khác nhau thì xử lý như thế nào. Cho nên chúng tôi đề nghị trong luật Dược quy định khi giá thuốc đã được công bố bởi Bộ Y tế nếu cảm thấy chênh lệch bất hợp lý thì báo cáo Chính phủ xử lý để điều chỉnh cho phù hợp. Chúng ta không thể đầu hàng chuyện đấy được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.