Trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, Nhà nước đóng vai trò mở đường, tạo cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện... Có thể nói, đó là sự hỗ trợ thiết thực nhất đối với người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều quy định, chính sách lại quá chậm trễ, làm tăng chi phí, mất cơ hội, gây khó cho người dân, doanh nghiệp và thất thu cho ngân sách.
Chính sách có ảnh hưởng sâu, rộng nhưng kéo dài suốt 2 năm nay vẫn chưa có hướng ra là quy định về đóng thuế sử dụng đất ngoài hạn mức. Hết "ách" vì thiếu thông tư hướng dẫn lại "tắc" vì chờ đợi xây dựng hệ số K. Có hệ số K rồi nhưng hàng ngàn, hàng vạn hồ sơ vẫn ùn ứ vì "vướng" ở khâu xác định "giá thị trường"... Họp tới, bàn lui nhưng đến tận lúc này, ách tắc vẫn hoàn ách tắc. Người dân mệt mỏi, cơ quan thuế thất thu nhưng cách duy nhất có thể làm lúc này là chờ đợi. Còn chờ đợi đến lúc nào thì vẫn chưa có câu trả lời.
Cũng vì chờ quy định mới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực game online trong nước đang ở trong tình trạng "tiến thoái lưỡng nan", sống không nổi mà chết cũng không xong khi quy định cũ đã lỗi thời còn quy định mới thì chờ gần 2 năm nay vẫn chưa có.
Không so sánh nổi với doanh nghiệp nước ngoài về vốn, về kinh nghiệm, lại thua thiệt vì những khó khăn riêng của nền kinh tế trong nước như lãi suất cao, lạm phát cao, "vũ khí" duy nhất mà các doanh nghiệp trong nước kỳ vọng trong cuộc cạnh tranh tại sân nhà là cơ chế, chính sách thông thoáng, kịp thời, tạo điều kiện cho họ phát triển. Nhưng sự chậm trễ nói trên đã "tước" mất vũ khí của họ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài trong cùng lĩnh vực mở rộng quy mô, bành trướng thị phần một cách dễ dàng ngay tại thị trường nội địa.
Sự trì trệ trong việc ban hành những quy định, chính sách mới đã tồn tại nhiều năm nay. Nó không chỉ làm khó người dân, doanh nghiệp trong nước như trong các trường hợp kể trên mà còn làm mất nhiều cơ hội thu hút đầu tư của Việt Nam ở nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực; gây ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Câu hỏi đặt ra là, tại sao chúng ta luôn kêu gọi "đột phá chính sách", kêu gọi cải cách... nhưng vấn đề quan trọng nhất, vấn đề mang tính mở đường cho sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp, của người dân và cả nền kinh tế là các quy định, các cơ chế lại luôn rơi vào tình trạng chậm trễ? Có thể khẳng định, đó chính là thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm của những người, những cơ quan có thẩm quyền trong việc soạn thảo, ban hành.
Kết quả của sự chậm trễ và thái độ thờ ơ là doanh nghiệp mất cơ hội, quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng, nền kinh tế bị thiệt hại. Vì vậy, nếu tình trạng "cơ chế 4 ch" (chậm, chờ, chán, chạy) này còn tồn tại, sẽ khó nói đến thành công của việc tái cấu trúc nền kinh tế như quyết tâm của Chính phủ trong năm 2012 này.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)