Y tế tư nhân đột phá chuyên sâu:

Trí tuệ nhân tạo giúp 'em bé phôi' chào đời khỏe mạnh

03/09/2023 04:11 GMT+7

Vài năm trước, bệnh nhân vô sinh do chồng không có tinh trùng, vợ suy buồng trứng phải đối diện với tình huống xin tinh trùng, xin noãn, mang thai hộ hoặc xin con nuôi. Hiện nay, công nghệ hiện đại và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tạo phôi, nuôi và sàng lọc phôi đã giúp hàng chục nghìn đôi vợ chồng hiếm muộn mang thai, sinh con "chính chủ" khỏe mạnh.

Nỗi sợ sinh con dị tật

Kết hôn năm 2011, vợ chồng anh Hải (45 tuổi) háo hức mong con nhưng niềm vui mãi không đến. Năm 2013, từ Hậu Giang lên TP.HCM khám, anh Hải bất ngờ nhận kết quả tinh trùng yếu, dị dạng đến 99%, khó có con tự nhiên.

Trí tuệ nhân tạo giúp 'em bé phôi' chào đời khỏe mạnh- Ảnh 1.

Niềm hạnh phúc của bác sĩ và các vợ chồng hiếm muộn bên những “em bé Tâm Anh”

Trong vòng 4 năm, vợ chồng anh Hải làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) ở nhiều nơi, thực hiện 3 chu kỳ IVF, nhưng 8 lần chuyển phôi đều thất bại. Trong đó 5 lần không có tim thai, 2 lần thai sinh hóa, 1 lần có được con gái chào đời non tháng nhưng bị thoát vị não. Cháu bé mất sau đó một năm.

"Liên tiếp những mất mát ập đến khiến vợ tôi suy sụp, không dám nghĩ đến chuyện mang thai vì ám ảnh sinh con dị tật, không được làm người", anh Hải nói.

Trí tuệ nhân tạo giúp 'em bé phôi' chào đời khỏe mạnh- Ảnh 2.

Thạc sĩ - bác sĩ Giang Huỳnh Như thực hiện chọc hút noãn cho người bệnh

Năm 2022, khi thấy nhiều người cùng cảnh đã điều trị thành công tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM (IVFTA-HCMC) và sinh con khỏe mạnh, ước mơ có con của anh chị lại sôi sục. Ở tuổi 44, sau hơn 10 năm kết hôn, anh Hải động viên vợ "đánh cược" lần cuối.

Không ngờ, tình trạng của anh chị tồi tệ hơn trước, anh Hải được xác định "ẩn tinh" (tinh trùng lúc có lúc không) và 99% tinh trùng dị dạng. Chị Phượng "kiệt quệ" buồng trứng sau nhiều lần kích trứng trước đây, chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) chỉ còn 0,3. Cầm kết quả xét nghiệm trên tay, tưởng rằng cơ hội làm cha mẹ đã đóng lại nhưng chính các bác sĩ tại IVF Tâm Anh đã động viên anh chị "chiến đấu kiên cường".

Trí tuệ nhân tạo giúp 'em bé phôi' chào đời khỏe mạnh- Ảnh 3.

Trí tuệ nhân tạo giúp 'em bé phôi' chào đời khỏe mạnh- Ảnh 4.

Chuyên viên phôi học lựa chọn phôi chính nhờ phần mềm phân tích phôi áp dụng trí tuệ nhân tạo

H.T

"Bác sĩ chấp nhận chọn bài toán khó, không bỏ qua cơ hội cuối còn sót lại để anh chị có thể thỏa nguyện mơ ước, vậy anh chị sẵn sàng cùng chiến đấu chứ?", lời đề nghị ấm áp, đầy tự tin của thạc sĩ - bác sĩ Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, khiến vợ chồng anh Hải có thêm động lực và linh cảm về điều tốt đẹp sẽ đến.

Như với tất cả người bệnh đến với IVF Tâm Anh, bác sĩ Như bắt tay vào xây dựng phác đồ điều trị "cá thể hóa" cho vợ chồng anh Hải. Người chồng được vi phẫu micro-TESE tìm tinh trùng. Với hệ thống kính hiển vi phẫu thuật hiện đại có độ phóng đại lớn 200 lần, trường quan sát rộng, hình ảnh rõ nét…, các bác sĩ đã thành công "vét" 8 "tinh binh" quý giá đủ điều kiện đưa đi trữ đông. Chị Phượng được kích thích buồng trứng nhẹ, "gom trứng" 3 chu kỳ đủ 8 noãn trưởng thành.

Kết quả bước đầu quá mỹ mãn để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, quá trình tạo và nuôi cấy phôi sẽ là thách thức với các chuyên gia phòng LAB bởi yêu cầu hạn chế tối đa thất bại với những mẫu trứng và tinh trùng "siêu quý" này.

Toàn bộ phôi được nuôi cấy trong hệ thống tủ time-lapse trang bị camera 360 độ quan sát liên tục, tích hợp phần mềm AI phân tích phôi. Kết quả thu được 3 phôi tốt ngày 5. Hệ thống máy móc thiết bị hiện đại bậc nhất giúp phát hiện và loại bỏ 2 phôi phân chia bất thường nhiễm sắc thể đến 70%. Các bất thường nhiễm sắc thể chính là nguyên nhân gây thất bại phôi làm tổ, hoặc thai sinh hóa, sẩy thai và dị tật thai nhi. May mắn phôi còn lại phát triển bình thường, cho dữ liệu tốt, điểm rất cao.

"Khi chọn được phôi tốt, chúng tôi quyết định canh niêm mạc theo chu kỳ tự nhiên không dùng thuốc. Đúng như dự đoán, người vợ đậu thai sau lần chuyển phôi ngày 5 duy nhất. Thai nhi phát triển khỏe mạnh", bác sĩ Giang Huỳnh Như cho biết.

Tháng 5.2023, anh Hải mái tóc đã hoa râm lần đầu được ẵm con trai 3,2 kg khỏe mạnh. "Cả gia đình tôi đón nhận niềm hạnh phúc trọn vẹn. 12 năm - một hành trình quá dài và đi qua nhiều tuyệt vọng, nhưng đến đây, chúng tôi đã tìm được trái ngọt", anh Hải nói, mắt rưng rưng khác với vẻ cứng cỏi thường nhật.

Hướng đi táo bạo trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản 

Thạc sĩ - bác sĩ Giang Huỳnh Như cho biết, niềm tự hào đồng thời cũng là áp lực lớn khi Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (IVF Tâm Anh) tiếp nhận hơn 70% là những ca bệnh khó, như bệnh nhân lớn tuổi, nữ giới suy giảm dự trữ buồng trứng, nhiều lần sẩy thai, sinh con dị tật, nam giới vô tinh với chỉ định xin tinh trùng và đã thất bại nhiều lần ở các trung tâm trước đó... Họ đến với IVF Tâm Anh mang theo niềm hy vọng cuối cùng, trước khi phải chọn những chỉ định không ai mong muốn là xin trứng, xin tinh trùng hoặc mang thai hộ.

"Chúng tôi cần hướng đi mới, để họ có được cơ hội sinh con "chính chủ" khỏe mạnh", bác sĩ Như cho hay.

Với thế mạnh "kiềng ba chân" vô sinh nữ - vô sinh nam - labo phôi học trong cùng một trung tâm hỗ trợ sinh sản, thạc sĩ - bác sĩ Giang Huỳnh Như tự tin có thể điều trị toàn diện và tối ưu nhất cho các cặp vợ chồng cùng gặp bệnh lý vô sinh. Sau nhiều trăn trở, kỹ thuật trữ noãn, trữ tinh trùng cho nhóm bệnh nhân lớn tuổi, nữ dự trữ buồng trứng thấp, suy buồng trứng và nam giới vô tinh, bất thường nhiễm sắc thể… là lựa chọn ưu tiên.

Trí tuệ nhân tạo giúp 'em bé phôi' chào đời khỏe mạnh- Ảnh 5.

Phòng Lab ISO 5 siêu sạch đầu tiên tại Việt Nam, hiện đại nhất Đông Nam Á

"Ở góc nhìn về mặt di truyền, tế bào noãn lớn gấp khoảng 10.000 lần so với tinh trùng nên chất lượng noãn gần như quyết định chất lượng của phôi và di truyền của đứa trẻ. Tuy nhiên, tế bào noãn có kích thước lớn nhất trong cơ thể người và 99% là nước, do đó rất khó để trữ lạnh thành công, tỷ lệ chết sau rã đông cao. Lường trước đây là hướng đi đầy chông gai, nhưng có thể giúp rất nhiều vợ chồng vô sinh có con khỏe mạnh nên chúng tôi luôn nỗ lực hết sức trong từng trường hợp", thạc sĩ - bác sĩ Giang Huỳnh Như nói.

Thạc sĩ - bác sĩ Giang Huỳnh Như cho biết thêm, cũng là phụ nữ, hơn ai hết chị thấu hiểu và cảm thông rằng không một người phụ nữ nào muốn xin trứng, không người đàn ông nào muốn xin tinh trùng. Dù khó khăn, họ vẫn nỗ lực hết sức để có con của chính mình. Khi lựa chọn hướng đi trữ noãn, trữ tinh trùng khác biệt với các trung tâm IVF khác, mục tiêu duy nhất là giúp những cặp vợ chồng có nhiều phôi hơn, tăng thêm cơ hội có con của chính mình, nhất là những bệnh nhân ít noãn, vô tinh.

Hiện nay, IVF Tâm Anh đã làm chủ kỹ thuật thủy tinh hóa hiện đại trong trữ noãn, trữ tinh trùng. Tỷ lệ tạo phôi thành công từ noãn và tinh trùng trữ tương đương noãn và tinh trùng tươi.

Phát triển kỹ thuật micro-TESE cũng là một bước tiến vượt bậc giúp 75% nam giới không có tinh trùng thoát khỏi nguy cơ xin tinh trùng từ người khác hoặc xin con nuôi. IVF Tâm Anh là trung tâm hỗ trợ sinh sản duy nhất tại Việt Nam có thể tiến hành đồng thời vi phẫu micro-TESE tại phòng mổ để tìm mẫu (các ống sinh tinh), chọc hút noãn ở phòng thủ thuật, chuyển mẫu và các cụm noãn sang labo sát bên để lọc rửa, tìm tinh trùng, và tiến hành kỹ thuật ICSI (bơm tinh trùng vào bào tương noãn tạo phôi).

"Với nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, phôi đôi khi quý hơn vàng. Do đó chúng tôi đã rất nghiêm ngặt trong việc thiết kế, lắp đặt hệ thống khí, trang thiết bị và vật liệu nhằm bảo vệ phôi và giao tử khỏi tình trạng phơi nhiễm với các yếu tố ngoại cảnh bất lợi", bác sĩ Như cho hay.

Tháng 5.2021, bác sĩ Như cùng các cộng sự xây dựng thành công phòng Lab siêu sạch ISO 5 bên trong phòng thao tác giao tử và phôi ISO 6. "Labo bên trong phòng labo" (lab-in-a-lab) là thiết kế đầu tiên trên thế giới được ứng dụng vào việc nuôi cấy phôi và giao tử. Đây là thiết kế đặc thù, nhằm tách biệt khu vực thao tác với khu vực nuôi cấy, từ đó tăng khả năng ổn định môi trường xung quanh, giúp phôi và giao tử phát triển tốt nhất.

Bên cạnh phòng Lab đạt chuẩn ISO 5, Labo IVF Tâm Anh còn được đầu tư hệ thống công nghệ hiện đại với tủ nuôi cấy phôi có gắn camera quan sát liên tục, phần mềm phân tích phôi áp dụng trí tuệ nhân tạo nhằm hỗ trợ chuyên viên phôi học lựa chọn được các phôi tốt nhất chuyển vào tử cung của người mẹ, hạn chế các khiếm khuyết về di truyền.

Tại phòng Lab IVF Tâm Anh, tất cả những kỹ thuật hiện đại nhất đều có thể áp dụng, nâng tối đa tỷ lệ IVF thành công, như kỹ thuật bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP), kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng (AH), sinh thiết phôi trong chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGT), xét nghiệm ERA test xác định cửa sổ làm tổ… IVF Tâm Anh hiện đang dẫn đầu cả nước về tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm trung bình lên tới 68,5% và 70% ở nhóm khách hàng dưới 30 tuổi.

Không chỉ vợ chồng anh Hải, mỗi năm hàng chục nghìn cặp vợ chồng đã thành công đón con "chính chủ" khỏe mạnh từ Hệ thống IVF Tâm Anh, thay vì phải tốn thời gian, tiền bạc, công sức đi nước ngoài để hiện thực hóa giấc mơ làm cha mẹ như trước đây.

Tiếng lành đồn xa, không ít khách hàng ngoại quốc từ Philippines, Singapore, và những đất nước hàng đầu về y tế như Mỹ, Nga, Nhật, Úc… đã vượt ngàn dặm đến IVF Tâm Anh "tìm" con chính chủ khỏe mạnh. 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách hàng Việt kiều đến IVF Tâm Anh điều trị tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. IVF Tâm Anh với những bước tiến đáng kinh ngạc trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, đạt được sự chuyên nghiệp ở cấp quốc tế, tạo điều kiện cho không chỉ người dân ở trong nước được điều trị mà mở ra cơ hội cho thị trường du lịch chữa bệnh đối với những người nước ngoài đến Việt Nam.

Thạc sĩ - bác sĩ Giang Huỳnh Như cùng các cộng sự vẫn không ngừng nỗ lực để hoàn thiện 20% còn lại của một "trung tâm IVF trong mơ", không chỉ hiệu quả điều trị cao, an toàn mà nỗ lực vì sự hài lòng hơn của khách hàng, ngày càng nhiều "em bé phôi" chính chủ khỏe mạnh chào đời…

"Mặc dù hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam đi sau thế giới 20 năm và các nước trong khu vực khoảng 10 - 15 năm, nhưng giờ đây, chúng ta có thể tự hào khi vị thế, tầm vóc của hỗ trợ sinh sản Việt Nam đã đứng ở vị trí quan trọng, đặc biệt ở một số kỹ thuật chúng ta có thể tiệm cận trình độ hàng đầu thế giới, từng bước đưa IVF trở thành mũi nhọn trong y học và công nghệ sinh học ở Việt Nam", thạc sĩ - bác sĩ Giang Huỳnh Như cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.