Triển khai thi hành luật mới là vấn đề khó khăn

04/11/2006 23:14 GMT+7

Ngày 4/11, Quốc hội (QH) đã họp phiên toàn thể tại hội trường nghe trình bày, thẩm tra về một loạt dự án luật: Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Luật Phòng, chống bạo lực trong gia đình, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tương trợ tư pháp...

Nhiều ĐB đánh giá là về cơ bản, các quy định trong các dự thảo đã khá hợp lý nhưng ẩn chứa trong đó, vẫn có những vấn đề đáng e ngại về khả năng triển khai trên thực tế như vấn đề hành thu thuế TNCN, việc chống bạo hành trong gia đình...

Dự thảo Luật Thuế TNCN là một trong những dự thảo luật được nhiều đại biểu QH đặc biệt quan tâm trong lần đầu đưa ra lấy ý kiến QH. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH thì ngay trong cơ quan thẩm tra, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về một số quy định tại dự án luật này. Về quy định tính thuế thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm, một số thành viên Ủy ban Kinh tế và Ngân sách, trong đó có Phó chủ nhiệm Dương Thu Hương đã phản đối việc tính thuế này với quan điểm là "ảnh hưởng đến việc huy động tiền nhàn rỗi của nhân dân cho đầu tư phát triển". Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, nếu không đưa thu nhập từ lãi gửi tiết kiệm vào diện chịu thuế TNCN là "không công bằng" vì tiền gửi tiết kiệm cũng là một khoản đầu tư, số người có thu nhập cao từ gửi tiết kiệm không phải là ít; trong khi đó, người làm công ăn lương có thu nhập phải chịu thuế lại phải đóng thuế. Do đó, nếu áp dụng nhiều biện pháp vẫn có thể quản lý được nguồn thu này.

Về diện thu nhập không chịu thuế, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và  Ngân sách Nguyễn Đức Kiên thì đa số ý kiến  trong Ủy ban Kinh tế và Ngân sách nhất trí quy định chung của dự thảo luật (miễn giảm thuế cho những người bị ảnh hưởng thiên tai, địch họa, tai nạn bất ngờ...) nhưng đề nghị ban soạn thảo xem xét  miễn, giảm thuế TNCN với các khoản thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ, tín phiếu, trái phiếu Kho bạc Nhà nước, thu nhập từ kiều hối... Nhưng đồng thời nghiên cứu, có lộ trình cụ thể để đưa vào diện chịu thuế TNCN các khoản thu nhập từ trồng rừng, khai thác và đánh bắt hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy, hải sản; chăn nuôi có quy mô lớn...

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực trong gia đình lần đầu tiên đưa ra những quy định khá mới trong lĩnh vực này. Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, tình trạng bạo lực trong gia đình có xu hướng gia tăng hiện

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh): "Lo nhất là vấn đề hành thu"

"Điều mà tôi lo nhất trong luật này là vấn đề hành thu, thu thế nào cho đúng, cho đủ và bảo đảm công bằng. Với mặt bằng kinh tế xã hội hiện nay, nếu hành thu không tốt thì sẽ dẫn tới hàng loạt chuyện bất bình đẳng hơn nữa. Theo luật thì chỉ nắm được những người "có tóc", còn những ai mà không thống kê được thu nhập thì làm sao thu được của họ. Vì thế, muốn thực hiện được thuế thu nhập, phải tạo được những điều kiện nhất định bảo đảm việc hành thu". (Mạnh Quân ghi)

nay xảy ra có phần do công tác quản lý xã hội Nhà nước còn kém hiệu quả; các tổ chức, đoàn thể xã hội chưa tham gia tích cực... Và để giảm tình trạng bạo lực trong nhiều gia đình hiện nay, cũng cần phải có một số quy định pháp luật. Ông Thuận nhận xét: những quy định mới như các hành vi bạo lực trong gia đình, các biện pháp phòng ngừa như cấm (người có hành vi bạo hành) tiếp xúc với nạn nhân (điều 18), giáo dục tại cộng đồng... trong dự thảo luật được xây dựng không xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán ở Việt Nam mà dựa trên khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài... Do đó, có không ít ý kiến trong Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng, nếu áp dụng một số biện pháp như trong dự thảo luật có thể "làm sâu hơn mâu thuẫn trong gia đình, không có tác dụng hàn gắn...".

QH cũng đã nghe đọc tờ trình về dự án Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa... Theo dự án luật này, cơ quan kiểm tra chất lượng hàng hóa được giao cho các cơ quan, đơn vị kiểm tra chất lượng thuộc các bộ, UBND cấp tỉnh... Một số ý kiến trong Ủy ban Khoa học và Công nghệ Môi trường của QH cho rằng nên tập trung chức năng kiểm tra vào một cơ quan đầu mối để "khắc phục tình trạng phân tán, cắt khúc và thiếu hiệu quả" trong công tác kiểm tra hàng hóa hiện nay. Cơ quan này sẽ thực hiện đồng thời kiểm tra chất lượng hàng hóa, sản phẩm công nghiệp, dược phẩm, thực phẩm, kiểm dịch... như mô hình Tổng cục trực thuộc Chính phủ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ban soạn thảo, trong bối cảnh cải cách hành chính như hiện nay, rất khó thành lập một cơ quan như vậy; còn nếu chỉ giao cho các bộ quản lý như trước đây thì khó tránh khỏi ách tắc, chậm trễ, ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa, do đó ban soạn thảo đề nghị tăng cường phân cấp cho các địa phương để thực hiện việc kiểm tra.

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.