Triển lãm chuyên ngành lớn nhất về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo

10/12/2020 14:00 GMT+7

Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam - VIMEXPO 2020 nhằm thực hiện mục tiêu đưa ra các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Đây là triển lãm chuyên ngành đầu tiên do Bộ Công thương tổ chức ngày 9.12 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 115 của Chính phủ về thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, với gần 250 gian hàng của 170 doanh nghiệp đăng ký tham dự. Triển lãm đã nhận được sự ủng hộ lớn của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính phủ, phi chính phủ, hiệp hội chuyên ngành, các lãnh sự quán, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước, quốc tế và các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Phát biểu khai mạc triển lãm VIMEXPO 2020, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, công nghiệp hóa và phát triển các ngành công nghiệp cơ bản, các ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng như lĩnh vực công nghiệp phụ trợ luôn là một trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam.
Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết 23 về chính sách công nghiệp quốc gia, phát triển công nghiệp trong những giai đoạn mới tiếp tục là nền tảng quan trọng để Việt Nam thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước trong tình hình mới.
Là sự kiện được tổ chức lần đầu tiên nhưng đã quy tụ được sự tham dự của rất đông đảo trong 6 ngành, lĩnh vực công nghiệp quan trọng của công nghiệp hỗ trợ cũng như công nghiệp chế biến, chế tạo và đặc biệt với sự tham dự của 170 doanh nghiệp từ các lĩnh vực khác nhau và từ các quốc gia, Bộ trưởng Tuấn Anh cho rằng triển lãm đã tạo được tiếng vang, là một cơ hội để tiếp tục quảng bá, giới thiệu phát triển ngành công nghiệp.
“Đây là cơ hội vô cùng to lớn và có ý nghĩa để tiếp tục thực thi việc xây dựng hoàn thiện chính sách về phát triển công nghiệp, xây dựng mối quan hệ tương tác giữa khu vực công với khu vực doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước kết nối với các doanh nghiệp FDI và các nhà đầu tư thế giới tiếp tục tạo nên những chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam ông Antony Stokes khẳng định công nghiệp hỗ trợ có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng cơ hội thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của Việt Nam.
“Vương quốc Anh ủng hộ các sáng kiến nhằm duy trì tính ổn định và khẳng định sức chống chịu của chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng tôi rất vui mừng hợp tác cùng Bộ Công Thương và các đối tác phát triển khác ví dụ như Thụy Sỹ… nhằm tăng cường năng lực các DN công nghiệp tại Việt Nam và kết nối các doanh nghiệp với chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Antony Stokes nói.
Trong ba ngày diễn ra triển lãm, các doanh nghiệp tham dự sẽ giới thiệu các sản phẩm sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực ô tô như Tinh Hà, Ema, Kokwang, Kim Sen, Delta, Kyoyo, Bắc Việt, Toko, Công nghiệp Việt, Phương Trang…
Lĩnh vực điện tử, công nghệ cao với sự tham gia của Samsung, M3-Viettel, ABB, Biển Đông, Meeco, Asti, Graphtech, 3D Solution… có tổng quy mô tham dự gần 80 gian hàng. Lĩnh vực dệt may, da giày, cao su và các lĩnh vực liên quan với sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp với gần 50 gian hàng tại triển lãm.
Trong các ngày diễn ra triển lãm, Cục Công nghiệp sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức chuyên ngành liên quan tổ chức 2 hội thảo với chủ đề “Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Tiền năng và cơ hội” và “Cơ hội và thách thức khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Các hội thảo được kỳ vọng sẽ tạo ra mối liên kết, đối thoại giữ các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với các nhà hoạch định chiến lược, chính sách nhằm đưa ra các luật định, giải pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo tại Việt Nam.
Ngoài ra, với mục tiêu “Kết nối để phát triển”, tăng cường hiệu quả tối đa cho các doanh nghiệp tham dự chương trình, VIMEXPO 2020 sẽ sẽ tổ chức các hoạt động “Kết nối giao thương - Business Matching” giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp mua hàng (Buyer). Đến nay thống kê sơ bộ, có khoảng 500 phiên kết nối giữa các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp mua lớn, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam như Samsung, Canon, Thaco, Honda, Toyota, ABB, Tùng Lâm, CPC EMEC…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.