Triển lãm di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam

16/05/2016 15:45 GMT+7

Bốn di sản tư liệu thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, lần đầu tiên được giới thiệu tại một cuộc triển lãm ở cố đô Huế.

Ngày 16.5, tại Trường lang Tử Cấm Thành (Đại nội Huế, Thừa Thiên-Huế), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Hà Nội), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt, Lâm Đồng), Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, Bảo tàng Hà Tĩnh, Trung tâm Liễu Quán Huế tổ chức triển lãm Di sản Tư liệu Thế giới ở Việt Nam.
Triển lãm đã giới thiệu một cách tổng quan về giá trị của 4 di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam đã được UNESCO công nhận, gồm: Mộc bản triều Nguyễn là các bản khắc gỗ các văn bản của triều đình nhà Nguyễn, di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31.7.2009 (Số mộc bản này hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV - Đà Lạt, Lâm Đồng).
Tiếp theo là bộ bản dập bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) đã được đưa vào danh mục di sản tư liệu thế giới vào ngày 27.7.2011 (trước đó, di sản này đã được ghi danh là di sản tư liệu trong chương trình di sản Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày 9.3.2010).
Bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang) được UNESCO tiếp tục công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngày 16.5.2012.
Châu bản triều Nguyễn được công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào ngày 14. 5. 2014.
Nhân dịp này, triển lãm cũng giới thiệu thêm ba “di sản tiềm năng” là Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản Phật giáo Huế và Mộc bản trường Phúc Giang Hà Tĩnh. Hiện 3 di sản này đang được lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Di sản Tư liệu thế giới (còn gọi là Chương trình Ký ức Thế giới) được UNESCO khởi xướng từ năm 1992 xuất phát từ nhu cầu ngày càng tăng về việc bảo tồn và tiếp cận những di sản tài liệu quý hiếm có nguy cơ bị xâm hại và mai một ở nhiều nước và nhiều khu vực trên thế giới. Mục đích của chương trình là để ghi nhận các di sản văn hóa thuộc dạng tư liệu trên thế giới, đó có thể là cuốn sách, bộ phim, bức ảnh, giọng nói (băng ghi âm) hoặc có thể là bút tích, bản thảo...
Triểm lãm là hoạt động chào mừng Hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP) năm 2016 sẽ diễn ra tại TP.Huế từ ngày 18.5 đến 20.5, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng 18.5.
Bản dập văn bia tiến sĩ thời Lê - Mạc (1442-1779)
Phiên bản mộc bản một trang trong sách Đại Nam liệt truyện chính biên (tờ 8, quyển 20, tập đầu) ghi chép về công thần Nguyễn Du
Một số ô học thơ văn trên di tích Huế đang được đề cử là di sản tư liệu thế giới
Các đại biểu tham dự triển lãm nghe giới thiệu các di sản tư liệu thế giới của Việt Nam
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.