Triển lãm kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật như hội họa, nhiếp ảnh, trưng bày cổ vật, hiện vật lịch sử, hình ảnh, các tác phẩm nghệ thuật, nghệ thuật sắp đặt, mô hình… nhằm tái hiện không gian từ ngày khai hoang lập ấp, lịch sử đấu tranh giải phóng quê hương, quá trình phát triển để xây dựng nên một TP.Đà Lạt mang dáng dấp hiện đại, một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng, xứ sở thiên đường của các loại rau, hoa hiện nay.
Không gian triển lãm theo 2 chủ đề, quá trình hình thành Đà Lạt, giới thiệu, trưng bày mô hình và hiện vật, dụng cụ lao động của dân tộc Lạch, tái hiện người dân tộc Lạch sống bên dòng suối Cam Ly (hồ Xuân Hương ngày nay) và những tranh ảnh, hiện vật, kỷ vật, cổ vật... từ thuở khai hoang, lập làng mở ấp của người dân Đà Lạt.
Bên cạnh đó là chủ đề triển lãm về các thành tựu, các biểu đồ phát triển, các hình ảnh, hiện vật thể hiện những kết quả đạt được trong các lĩnh vực như: các thành tựu về y tế, văn hóa, dịch vụ du lịch, giáo dục đào tạo, kiến trúc, văn hóa,… kết quả thực hiện chương trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, khoa học công nghệ…
Ngoài ra, tại không gian triển lãm lần này, có sự tham gia của 28 doanh nghiệp, hợp tác xã trưng bày giới thiệu các mô hình sản xuất, các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, thế mạnh của Đà Lạt như các sản phẩm sử dụng nhãn hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành", sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, công nghệ giống cây trồng…
Theo ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cách đây 130 năm, bác sĩ Alexandre Yersin lần đầu đặt chân đến cao nguyên Lâm Viên và sau đó đề xuất thành lập Đà Lạt tại địa điểm hiện nay. Từ miền đất hoang sơ, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, Đà Lạt hôm nay đã trở thành thành phố du lịch nổi tiếng, thành phố Festival Hoa và đang trong giai đoạn xây dựng đô thị thông minh, đô thị di sản, tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.
Cũng theo ông Tú, Đà Lạt trong thời gian qua đã được công nhận là "Thành phố du lịch sạch ASEAN" giai đoạn 2022-2024; là một trong những điểm đến lãng mạn nhất châu Á. Toàn TP.Đà Lạt hiện nay có 2.437 cơ sở lưu trú du lịch, 1.014 cơ sở kinh doanh nhà hàng, ăn uống. Năm 2022, tổng lượt du khách đến Đà Lạt đạt 6 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế đạt 135.000 lượt. "Đạt được những thành tựu nêu trên, bên cạnh khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng, kiến trúc độc đáo thì phong cách người Đà Lạt "hiền hòa - thanh lịch - mến khách" cũng là tài sản quý báu để phát triển du lịch của thành phố. Đà Lạt cũng đang hướng đến việc phát triển thành một trung tâm văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và giải trí của cả nước", ông Tú chia sẻ.
Triển lãm là dịp để TP.Đà Lạt quảng bá, giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh; thu hút nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế, xã hội; tiếp tục xây dựng Đà Lạt ngày càng phát triển, xứng đáng là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh. Triển lãm kéo dài từ ngày 23.9 đến hết ngày 31.12.2023.
Bình luận (0)