Triển lãm tranh Sơn mài của cố Hoạ sĩ Đỗ Kỳ Hoàn

09/06/2009 17:42 GMT+7

(TNO) Từ ngày 9- 15.6, Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2009, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên - Huế và gia đình cố hoạ sĩ Đỗ Kỳ Hoàng đã tổ chức triển lãm 30 tranh sơn mài của ông tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhằm giới thiệu những tác phẩm được ông sáng tác qua các thời kỳ khác nhau.

Những tác phẩm sơn mài của cố hoạ sĩ Đỗ Kỳ Hoàng như Hội ngày mùa, Cội nguồn, Ngày hoàng đạo, Cao Nguyên yên tĩnh, Lễ hội...đã làm bật lên cái sâu lắng nhưng trong trẻo và quý giá của chất liệu như chính từ trong chất nghệ sĩ của ông; cái chất phác hồn hậu của tâm hồn ông, một trời mơ ước mà không phải mộng mị...

Cố hoạ sĩ Đỗ Kỳ Hoàng sinh năm 1935 tại Huế, và mất năm 2006. Ông tốt nghiệp trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1959. Sau khi rời Trường Mỹ thuật Gia Định, cố hoạ sĩ Đỗ Kỳ Hoàng về lại Huế, để từ đó cả đời ông bắt đầu gắn với nghề sơn mài. Năm 1962 ông được Trung tâm Khuếch trương Tiểu Công Nghệ Việt Nam (Chế độ Sài Gòn) giao cho việc tổ chức thành lập Học Xưởng Tiểu Công Nghệ tại Huế.

Việc phát triển các nghề thủ công đã trở thành tâm huyết cả một đời của ông, khiến ông day dứt với nỗi niềm mong sao Huế phục hồi được các nghề truyền thống. Với ông, đã là nghề ở cố đô thì hẳn phải có đẳng cấp của nó, trong đó nghề sơn mài được ông đặt ra đầu tiên và là trọng tâm để phát triển.

 

Một góc triển lãm của cố hoạ sĩ Đỗ Kỳ Hoàng

Bằng kiến thức và chiêm nghiệm của mình, ông đã cùng một đội ngũ lành nghề từ Thủ Dầu Một và Sài Gòn khai lối cho sơn mài mỹ nghệ ở Huế, với cung Trường Sanh ở Đại Nội là điểm khởi đầu, để từ đó đào tạo hàng trăm học viên thành nghề. Không lâu sau đó ông cũng bắt đầu tham gia giảng dạy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế.

Minh Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.