>> Triển lãm giáo dục và đào tạo nghề của 21 nền kinh tế APEC
>> Triển lãm quốc tế thiết bị và công nghệ quảng cáo VN lần thứ 5
>> Triển lãm 'Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam
>> Triển lãm ngày hội truyền thống các dân tộc
Câu đối thếp lá chuối xanh. Hoành phi cùng tông, cùng bộ. Sập gụ. Ghế bành. Lọ hoa. Bộ tam đa. Tất cả là đồ dùng trong nhà của địa chủ Phán Thịnh ở xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã dùng trước cải cách ruộng đất. Giờ đây, những đồ vật ấy lại hợp lại với nhau lần nữa, trong gian trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội, số 1 Tràng Tiền. Triển lãm khai mạc sáng 8.9 tại Hà Nội, hiện chưa rõ thời gian kết thúc.
Triển lãm được chia thành 3 phần, tương đương với 3 thời kỳ, trước cải cách, cải cách và sửa sai. Có khoảng 140 hiện vật bao gồm tư liệu ảnh, đồ vật và văn bản. Tính trung bình, mỗi thời kỳ có khoảng trên dưới 50 hiện vật.
|
Tuy nhiên, lượng đồ vật để tái hiện lịch sử của thời kỳ trước cải cách nhiều hơn cả. Chúng được tập trung lại trong hai tiểu cảnh là nhà của địa chủ và nhà của bần cố nông trước cách mạng. Việc đặt hai gian này gần nhau cũng cho thấy sự tương phản giữa hai lối sống. Có thể thấy sự ngạc nhiên của người xem trước thẩm mỹ sang trọng, giàu tính truyền thống trong các vật dụng sinh hoạt của địa chủ.
Ở các thời kỳ sau, cải cách và sửa sai, hiện vật chủ yếu là ảnh và văn bản pháp luật. Tuy nhiên, các văn bản với chữ nhỏ tương đối khó đọc qua lớp kính. Khách tham quan nếu muốn chụp lại văn bản để nghiên cứu sẽ bị các tủ kính làm khó.
|
Nhưng hạn chế lớn nhất của triển lãm chính là thiếu vắng các câu chuyện kể. Sự “nhạy cảm” của đề tài cải cách ruộng đất có lẽ cũng giống như đề tài thời bao cấp. Đó là những thời kỳ chúng ta đã từng có cái sai, để rồi nhìn thấy nó và sửa chữa nó. Nhưng nếu triển lãm bao cấp của Bảo tàng Dân tộc học cách đây cả chục năm tái hiện được câu chuyện thân phận con người thì triển lãm này chưa chạm vào đó. Không ai rõ, những con người cụ thể, có những hiện vật được trưng bày ở đây, đã đi qua thời kỳ đó ra sao. Họ, con cháu họ, hiện sống thế nào, quan niệm gì về thời kỳ lịch sử ấy.
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)