|
Ông Đinh Quang Ven, Q.Chủ tịch UBND H.Sơn Tây cho biết, qua khảo sát thấy đất đai và khí hậu ở Sơn Tây phù hợp với cây mắc ca nên cuối năm 2014, địa phương triển khai trồng khảo nghiệm ở xã Sơn Long, Sơn Bua và Sơn Liên. Đến nay cây đã sinh trưởng và phát triển tốt.
Cụ thể, cây ra hai đợt hoa trong năm, 80 - 95% cây ra hoa đều đậu quả, có 2 dòng thích nghi nhất đó là OC và 816, cho hoa nhiều và tỷ lệ đậu quả khá cao. Hiện nay, ngoài 6 ha chính quyền đang trồng thí điểm thì một người dân trong huyện này còn bỏ tiền túi trồng 6,5 ha, thời gian trồng đã 3 năm, cây đã cho quả bói.
|
Ông Trần Quý, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp H.Sơn Tây thông tin, quá trình cây mắc ca sống và phát triển hoàn toàn tự nhiên, ít can thiệp khoa học kỹ thuật. Tỷ lệ cây ra hoa và kết trái tương đương các tỉnh Tây nguyên.
Tại địa phương, năm thứ 3 đã cho quả bói, năm thứ 4 tiếp tục cho quả đều và năm thứ 5 chính thức thu hoạch đầu tiên, cho quả hơn 3 kg/cây. Vào các năm tiếp theo, cây này sẽ cho quả nhiều hơn và có khả năng đạt 25 - 30 kg/cây/năm.
"Đây là cơ sở khoa học đánh giá cây mắc ca có khả năng thích ứng trên địa bàn H.Sơn Tây. Việc trồng cây hợp lý, mở ra hướng đi mới cho người dân ở Sơn Tây", ông Quý nói.
|
Nhiều nông dân tham gia hội thảo vẫn nghi ngờ về tính khả thi của cây mắc ca, trong đó có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, lượng mưa, vốn đầu tư, chất lượng hạt mắc ca…
Tuy nhiên, theo GS.Nguyễn Lân Hùng, với những kết quả ban đầu, khẳng định cây mắc ca thích hợp với đất H.Sơn Tây. Ngoài yếu tố thời tiết và khí hậu, giống là khâu quan trọng trong việc quyết định năng suất, chất lượng đối với loại cây mắc ca.
Vì vậy, chọn giống được đặt lên hàng đầu. Hơn nữa, quá trình thu hái quyết định chất lượng hạt, bà con nông dân sẽ được cán bộ kỹ thuật Hiệp hội mắc ca VN hỗ trợ. "Đất có, nhưng phải giống mới là quan trọng, phải là hạt giống tốt. Với cây mắc ca bây giờ, không chỉ xóa đói giảm nghèo mà là cây làm giàu. Những gia đình trồng được 100 cây, đủ làm giàu", GS. Hùng nói.
Ông Huỳnh Ngọc Huy - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cam kết sẽ cho nông dân vay trồng mắc ca đảm bảo 80% kinh phí, với điều kiện thuận lợi nhất.
Cũng theo ông Huy, với các địa phương trồng cây mắc ca ở Tây nguyên, lợi nhuận mang lại hàng trăm triệu đồng/ha. Riêng H.Sơn Tây, với thổ nhưỡng thích hợp như hiện nay, việc kiếm lợi nhuận 200 triệu đồng/ha (hơn 300 cây/ha) là điều không khó. Đó là chưa kể nhiều nơi, bà con nông dân còn nuôi ong dưới tán cây mắc ca, lợi nhuận tăng cao.
Theo UBND H.Sơn Tây, cây mắc ca không những dễ trồng, mà có giá trị kinh tế, giá trị dinh dưỡng cao; giúp nông dân trồng xen vào cây trồng chính không bị ảnh hưởng; giúp cho các chủ rừng trồng chen phủ xanh đồi núi trọc, lại có triển vọng thu nhập cao khi trồng được vùng nguyên liệu.
Hơn nữa, tuổi thọ cây mắc ca hàng trăm năm, trong đó cho thu quả trên 50 năm, nếu trồng ổn định và tạo ra vùng nguyên liệu,còn góp phần bảo vệ được điều kiện sinh thái khu vực.
Cây mắc ca bị chặt pháNgày 12.6, ông Nguyễn Lên, chủ vườn mắc ca 6,5 ha ở thôn Tang Tong, xã Sơn Liên, H.Sơn Tây (Quảng Ngãi), cho biết, gia đình có 60 cây mắc ca trồng năm thứ 3, đã cho quả bói bị chặt phá, chưa rõ nguyên nhân. Ước tính thiệt hại hơn 40 triệu đồng.
Tại hiện trường, khoảng 60 cây mắc ca gần 3 năm tuổi trên phần diện tích 6,5 ha bị phá hoại nghiêm trọng như: chặt phá, bẻ ngọn, cành, nhổ gốc. Theo ông Nguyễn Lên, vụ chặt phá xảy ra nhiều nhất vào ngày 5.6, kẻ xấu đã phá hoại vườn mắc ca. Từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân hàng và hiệp hội mắc ca, ông Lên đã trồng 6,5 ha cây mắc ca, với khoảng 1.600 cây. Hầu hết mắc ca của gia đình ông phát triển tốt. Tuy nhiên, đáng tiếc là khi cây đang cho ra quả bói chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch đầu tiên thì bị chặt phá. |
Bình luận (0)