Triển vọng mịt mù của Airbus A400M

07/03/2009 23:56 GMT+7

Chiếc máy bay vận tải quân sự rất được kỳ vọng Airbus A400M vẫn chưa thể cất cánh, trở thành nỗi ám ảnh của người châu u.

Mới đây, thượng nghị sĩ Josselin de Rohan, Chủ tịch Ủy ban quốc tế về quốc phòng và lực lượng quân đội Pháp, đã lên tiếng cảnh báo về triển vọng của chiếc máy bay vận tải quân sự A400M. Theo đánh giá của chính trị gia này, nếu như kế hoạch sản xuất A400M của EU ngưng lại thì các nhà sản xuất máy bay của Mỹ sẽ làm chủ thị trường trong vòng 40 năm nữa. Mặc dù thông tin ngừng sản xuất A400M chưa được chính thức thông báo, nhưng hiện khả năng này đang hiện hữu.

Kỳ vọng lớn lao 

Máy bay Airbus A400M gợi nhớ lại bóng dáng của một đứa trẻ thần đồng, mà bất cứ ai cũng phải tin vào tài năng của nó. Những khách hàng của chiếc máy bay được cho là hiện đại nhất thế giới này cách nay 7 năm đã hoàn toàn tin tưởng vào nó khi chương trình sản xuất mới chỉ bắt đầu. Khi đó, Tổ hợp Quốc phòng và Hàng không vũ trụ châu u (European Aeronautic Defence and Space Company - EADS) đã "bán" được cho 8 quốc gia hơn 200 chiếc Airbus A400M trên giấy với tổng giá 16 tỉ USD.

Các nước đặt hàng Airbus A400M

Đức - 60 chiếc; Pháp - 50; Tây Ban Nha - 27; Anh - 25; Thổ Nhĩ Kỳ - 10; Bỉ - 7; Luxembourg - 1; Nam Phi - 8 và Malaysia - 4. (Số liệu năm 2009)

Chiếc Airbus A400M khi đó được tính toán để thay thế chiếc C-130 Hercules huyền thoại của Mỹ, chiếc Transall C-160 của Đức và Pháp. A400M được thiết kế có tầm bay 3.300 km lúc chở hết trọng tải và 9.300 km khi không tải. Lúc bấy giờ người ta đã đề ra kế hoạch là vào năm 2008, Pháp sẽ là nước nhận những chiếc A400M đầu tiên, kế sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Đến năm 2020, Bỉ sẽ là nước cuối cùng nhận loại máy bay này. Ngoài ra, châu u sẽ có thêm 10 ngàn việc làm tại các nhà máy ở Đức, Anh, Bỉ, Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. 

Việc thiết kế chiếc Airbus A400M bắt đầu từ đầu thập niên 1980. Khi đó còn có sự tham gia của hãng Lockheed Martin của Mỹ. Đến năm 1989, hãng này rút lui để tập trung vào việc nâng cấp chiếc C-130 Hercules thành C-130J.

Ban đầu, hàng loạt quốc gia châu u đã thể hiện quyết tâm cùng nhau sản xuất chiếc A400M, nhưng nhiều năm qua lại thiếu sự thống nhất khi bắt tay làm việc. Trong đó Pháp và Đức từ năm 1997 đến năm 2002 từ chối chi ngân sách cho chương trình này với lý do giảm ngân sách quốc phòng. Đến năm 2004, Ý cũng thông báo rút khỏi chương trình vì khó khăn tài chính. Kết quả đơn đặt hàng A400M rút xuống chỉ còn 180 chiếc.

Khách hàng ngoài châu u cũng góp phần làm cho bức tranh thêm ảm đạm: Vào ngày 18.7.2005, không lực Chile ký bản ghi nhớ sẽ mua 3 chiếc A400M từ năm 2018 - 2022, nhưng sau đó đã "quên" bản ghi nhớ này. Giữa thời buổi khó khăn về kinh tế hiện nay, việc những khách hàng đã có đơn đặt hàng tìm cách giảm bớt số lượng đặt mua trong khi những khách hàng tiềm năng khác lại càng thờ ơ hơn là điều dễ hiểu. Điều đáng nói là nếu như hồi đó giá mỗi chiếc A400M vào khoảng 80 triệu USD thì hiện nay, theo tính toán của các chuyên gia, mỗi chiếc đã có giá lên tới 126 triệu. Con số này bình thường đã quá cao, nếu so với mức giá khoảng 65 triệu USD cho một chiếc C-130J Super Hercules của Mỹ. Trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế, thì mức giá này càng trở nên khó chấp nhận hơn.

Thất vọng tràn trề

Lịch trình chế tạo sản xuất chiếc A400M luôn bị chậm trễ. Ngày ra đời của chiếc máy bay đầy kỳ vọng luôn bị dời lại. Và cuối cùng vào ngày 26.6.2008, tại thành phố San Pablo của Tây Ban Nha, trước sự hiện diện của Vua Juan Carlos I, người ta cũng đã cắt băng chào đón chiếc A400M đầu tiên ra đời. 

Sự ra đời này chậm hơn 6 tháng so với dự kiến. Nguyên nhân chính là việc thiết kế động cơ TP400-D6 của hãng EuroProp International gặp trục trặc. Người ta cũng dự tính chuyến bay đầu tiên của A400M sẽ diễn ra trong khoảng tháng 9 - 11.2008. Nhưng ngay trong tháng 9.2008 đã có thông báo sự kiện này sẽ dời lại do máy móc chưa hoàn thiện. 

Trong khi ngày cất cánh của A400M chưa biết là khi nào, thì vào tháng 1.2009, nhiều tờ báo đã "giáng" một đòn mạnh vào hình ảnh chiếc máy bay này khi cho rằng các chỉ tiêu kỹ thuật thấp hơn với tính toán lý thuyết. Tờ Financial Times Deutschland cho rằng A400M chỉ có thể chở 29 - 30 tấn hàng thay vì 32 tấn như công bố. Trong lúc đó, website chính thức của A400M là AirbusMilitary.com cho biết trọng tải cao nhất của máy bay này là 36 tấn. Báo chí cũng thông tin A400M nặng hơn 12 tấn so với thiết kế kỹ thuật. Còn nhà sản xuất khẳng định trọng tải cao nhất khi cất cánh là 141 tấn, còn khi hạ cánh là 122 tấn. Không có thông số trọng lượng của máy bay, nhưng một số nguồn tin cho rằng nó nặng gần 70 tấn.  Đã thế, đại diện của EADS thông báo việc cung cấp A400M sẽ chậm 3 năm so với dự định, nhưng không cho biết rõ cụ thể ngày tháng.  

Thông báo cuối cùng nêu trên là giọt nước tràn ly, gây thất vọng với các khách hàng đang chờ mong A400M. Pháp đã kêu gọi các nước đặt hàng A400M cần phải nghiêm túc đánh giá hậu quả của sự chậm trễ này. Bởi nó không chỉ kéo theo sự chậm trễ chuyển đổi, thay thế các loại máy bay cũ như dự tính mà còn khiến khách hàng "nhìn ngó" sang đối thủ cạnh tranh tiềm tàng là Mỹ. Ai cũng biết Lockheed Martin trong mấy năm qua đã thử nghiệm loại C-130 Hercules thế hệ mới. Cũng cần nhìn nhận rằng C-130 là loại vận tải quân sự luôn chiếm vị trí quan trọng trong suốt hơn 50 năm qua. 

Tuyên bố từ phía Pháp về kế hoạch sản xuất A400M đã gián tiếp cho thấy người ta không mấy tin tưởng vào tương lai của chiếc máy bay được kỳ vọng này. Theo thông báo của báo chí thì thời hạn cung cấp A400M giờ đây đã được dời lại đến năm 2012 - 2013. Tuy nhiên, theo ý kiến của một thành viên thuộc Ủy ban quốc tế về quốc phòng và lực lượng quân đội Pháp thì việc cung cấp A400M sẽ không sớm hơn năm 2014 - 2015. Đó là chưa tính đến khi đó giá thành của chiếc máy bay này sẽ đội lên như thế nào.

Liệu các khách hàng châu u của A400M vốn đang nhờ sự trợ giúp của không lực Mỹ trong lĩnh vực vận tải có đồng tâm hiệp lực để cứu vãn một kế hoạch đang có nguy cơ sụp đổ? Khó mà có thể nói trước điều gì trong bối cảnh tình hình kinh tế - tài chính đang khủng hoảng trầm trọng như hiện nay.

Còn với Lockheed Martin thì sao? Mọi việc đang trở nên khả quan hơn bao giờ hết. Trong vòng hơn nửa thế kỷ qua, hãng này đã bán được hơn 2.200 chiếc C-130 Hercules. Và cũng không loại trừ, trong thời gian tới đây, Lockheed Martin sẽ nhận thêm đơn đặt hàng từ các khách hàng không thể chờ đợi sự chậm trễ của kế hoạch sản xuất A400M. 

Quả thực trong giai đoạn này, không có đối thủ nào cạnh tranh với nhà sản xuất Mỹ. Những chiếc "IL" của Nga, hay "AN" của Ukraine cho dù được khẳng định sẽ được thiết kế có tính năng vượt trội A400M, nhưng cũng mới chỉ là những dự án nằm trên giấy. Nhiều khả năng Hercules C-130 sẽ tiếp tục thống trị bầu trời trong nhiều năm nữa.

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.