Triển vọng phụ nữ đóng góp cực lớn cho kinh tế toàn cầu

Khánh An
Khánh An
05/03/2023 08:00 GMT+7

Những nghiên cứu mới nhất cho thấy kinh tế thế giới có thể phát triển mạnh mẽ hơn nếu tận dụng tiềm lực của phụ nữ bằng cách xóa khoảng cách giới.

Công ty phân tích Moody's, thuộc Tập đoàn dịch vụ đầu tư Moody's - một trong 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm tài chính uy tín nhất thế giới, vừa công bố báo cáo cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang bỏ lỡ 7.000 tỉ USD hằng năm do chưa đạt bình đẳng giới trong lực lượng lao động. Con số này được các chuyên gia tại công ty đối chiếu với khả năng giả định là không hề có khoảng cách giới trong việc tham gia lực lượng lao động cũng như quản lý tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Triển vọng phụ nữ đóng góp cực lớn cho kinh tế toàn cầu - Ảnh 1.

Một hội chợ việc làm ngành nhà hàng, khách sạn tại Mỹ

Reuters

Tiềm năng lớn

Theo nghiên cứu, việc chưa sử dụng đủ nữ giới trong lực lượng lao động đã gây thất thu kinh tế về cá nhân cũng như ở mức độ vĩ mô. Việc xóa khoảng cách giới ở các vị trí lãnh đạo và nâng cao vai trò, tiềm năng của phụ nữ trong lực lượng lao động sẽ giúp gia tăng năng suất và sản lượng kinh tế trên toàn cầu. Tại các nước OECD trong năm 2021, nếu số phụ nữ từ 25 - 64 tuổi tham gia lực lượng lao động bằng với số nam giới cùng nhóm tuổi thì sản lượng kinh tế của toàn bộ các thành viên đã tăng 10% và sản lượng toàn cầu tăng 6,2%.

Phó giáo sư Alexandra Kalev về nhân học tại Đại học Tel Aviv (Israel) cho rằng khoảng cách về lương là một trong những trở ngại đối với việc phát huy vai trò của lực lượng lao động nữ, trong đó nguyên nhân lớn nhất là sự phân biệt giới tính. Chuyên gia này cho biết lao động nữ thuộc những ngành vốn do nam giới chiếm đa số thường làm những việc khác với nam giới, như trong công nghệ, chế tạo và xây dựng. Nhiều trường hợp, phụ nữ trong những lĩnh vực này chỉ có thể thăng tiến lên những vị trí quản lý để trống do nam giới thăng tiến lên vị trí cao hơn.

"Ngay cả khi có khả năng tiếp cận những công việc tốt hơn, phụ nữ vẫn bị xếp vào những công việc và nhiệm vụ ít được coi trọng nhất", theo tờ The Washington Post dẫn lời bà Kalev. Giới phân tích cho rằng phụ nữ tiếp tục đối diện những rào cản lâu đời tại nơi làm việc, chẳng hạn như bị giảm lương trong thời gian sinh sản, bị giao trách nhiệm chăm sóc con cái và những quan niệm cổ hủ đối với việc phụ nữ làm lãnh đạo.

Ngôi làng cấm cửa đàn ông tại Kenya

Tiến triển chậm

Theo báo cáo của Công ty phân tích Moody's, khoảng cách giới thể hiện rõ ở vai trò quản lý cấp cao, khi phụ nữ chỉ chiếm 23% trong các vị trí điều hành trên toàn cầu. "Đã có tiến triển nhưng chưa đủ nhanh. Vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp đằng sau khoảng cách về lương, chẳng hạn như những chuẩn mực xã hội sẽ cần rất lâu để thay đổi", bà Dawn Holland, Giám đốc nghiên cứu kinh tế - Công ty phân tích Moody's, nhận định.

Chỉ số quy định pháp lý

Kyodo News ngày 3.3 dẫn báo cáo "Phụ nữ, Doanh nghiệp và Pháp luật 2023" của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy chỉ số về những quy định liên quan vai trò của phụ nữ trong lực lượng lao động đạt 77,1 điểm, chỉ tăng 0,5 điểm so với kết quả trong báo cáo năm ngoái. Chỉ số này là 45,8 vào năm 1970. Báo cáo xem xét những quy định pháp lý ảnh hưởng đến vai trò của lao động nữ tại 190 nền kinh tế, đánh giá khoảng cách giới trong quy định pháp lý thuộc nhiều khía cạnh như nơi làm việc, thu nhập, việc chăm sóc con cái và điều hành doanh nghiệp.

Trong cảnh báo mới nhất, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng việc cải cách pháp lý hướng đến bình đẳng giới trên toàn cầu trong năm ngoái đạt tiến triển chậm nhất trong hơn 2 thập niên, dù có một số tiến triển tích cực tại vùng hạ Sahara ở châu Phi. Chỉ có 34 cải cách pháp lý nhằm cải thiện sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực kinh tế trong năm ngoái tại 18 quốc gia khảo sát, so với con số 73 vào năm 2008. Với tiến độ hiện tại, World Bank cho rằng cần ít nhất nửa thế kỷ để tiến hành hơn 1.500 cải cách pháp lý cần thiết nhằm đạt bình đẳng giới đáng kể ở mọi nơi. "Việc từ chối quyền bình đẳng cho phụ nữ ở nhiều nơi trên thế giới không chỉ là bất công đối với phụ nữ mà còn là rào cản đối với khả năng thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện của các quốc gia", theo AFP dẫn lời nhà kinh tế trưởng Indermit Gill của World Bank.

Báo cáo mới đây của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy khoảng cách về lương giữa lao động nam và nữ 2 thập niên qua vẫn ít được khắc phục, khi phụ nữ trong năm 2022 có thu nhập trung bình bằng 82% so với nam giới. Tỷ lệ này là 80% vào năm 2002. Trong khi đó, phụ nữ tại các nước Liên minh châu Âu (EU) có thể phải chờ đến năm 2086 để có mức thu nhập trung bình bằng nam giới, theo Bloomberg dẫn báo cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.