Triệt hạ rừng Đa Mi

01/12/2015 12:15 GMT+7

Trong vai khách du lịch, chúng tôi thuê một chiếc xuồng máy tham quan lòng hồ Đa Mi, sau đó nhờ một người dân dẫn đường, chúng tôi đã lọt được vào khu rừng bị triệt hạ .

Trong vai khách du lịch, chúng tôi thuê một chiếc xuồng máy tham quan lòng hồ Đa Mi, sau đó nhờ một người dân dẫn đường, chúng tôi đã lọt được vào khu rừng bị triệt hạ.

Những cây rừng đã bị đốn hạ - Ảnh: H.LinhNhững cây rừng đã bị đốn hạ - Ảnh: H.Linh
Phá rừng làm rẫy
Ông Mười, một người dân địa phương sống gần lòng hồ thuỷ điện Đa Mi chỉ tay vào những khu rừng bị tàn phá, nói:“Rừng này không biết thuộc H.Hàm Thuận Bắc hay H.Tánh Linh, nhưng chắc chắn nó là rừng phòng hộ ở Đa Mi. Những tay lâm tặc có tiếng ở khu vực này đã sang tận xã Bảo Lâm (TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) thuê người vào phá rừng. Họ có xuồng máy chở hàng chục người và đưa cả cưa máy vào rừng. Họ chỉ làm từ 6 giờ sáng đến 8 giờ sáng, hoặc chỉ làm lúc chập tối rồi về”.
Quan sát tại một khoảnh rừng vừa bị tàn phá, chúng tôi thấy có nhiều cây gỗ kơ nia, căm xe, bằng lăng... rất to vừa bị đốn hạ. Dấu vết cưa máy còn mới tinh. Có cây đường kính cả một người ôm. Xung quanh ngổn ngang chai nhựa chứa xăng mà lâm tặc bỏ lại. Chúng tôi kiểm đếm có ít nhất 7 cây kơ-nia bị chặt hạ và nhiều cây căm xe, bằng lăng bị lâm tặc vận chuyển theo lòng hồ đưa ra ngoài... Ông Mười cho hay mỗi hec-ta rừng sau khi phát dọn, đốt sạch sẽ được bán từ 100 - 150 triệu đồng. “Ở đây đã từng bán rừng như thế rồi”, ông Mười tiết lộ.
Tại vạt rừng phía tây lòng hồ Đa Mi có khoảng trên 30 hec-ta bị tàn phá. Dấu hiệu cho thấy rừng bị phát quang sạch sẽ, cưa hết cả cây to lẫn cây nhỏ. Điều đó nghiêng về khả năng phá rừng lấy đất làm rẫy nhiều hơn là bọn lâm tặc phá rừng lấy gỗ. Điều đáng nói là khu rừng bị tàn phá chỉ cách Trạm bảo vệ rừng số 3 của Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Hàm Thuận- Đa Mi chừng 1 km.
“Đá” trách nhiệm cho nhau
Sáng ngày 25.11, chúng tôi có mặt tại trụ sở Ban QLRPH La Ngà để tìm hiểu về vụ phá rừng. Sau khi xem hình ảnh mà chúng tôi cung cấp, ông Nguyễn Trọng Kiều, Giám đốc Ban QLRPH La Ngà, khẳng định“khu rừng bị phá thuộc lâm phận của Ban QLRPH Hàm Thuận- Đa Mi”. Cùng ngày, chúng tôi quay lại trụ sở Ban QLRPH Hàm Thuận- Đa Mi, ông Văn Thành Kỹ Sang- Phó ban cho hay ông đã biết khu vực rừng bị phá. “Cán bộ kỹ thuật của Ban tôi đã kiểm tra rồi. Rừng bị phá thuộc quản lý của UBND xã Đa Mi chứ không thuộc quyền chúng tôi. Vì khu rừng bị tàn phá chỉ gần tiểu khu 186 của chúng tôi thôi”, ông Sang giải thích.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Anh Vũ - Chủ tịch UBND xã Đa Mi lại chống chế: "Rừng bị phá các anh phải hỏi Ban QLRPH chứ, chỗ anh Thanh đó (tức ông Thanh- Trưởng ban QLRPH Hàm Thuận- Đa Mi- PV). Chúng tôi chỉ quản lý về mặt nhà nước trên địa bàn và tổng diện tích rừng thôi”.
Chiều 25.11, sau khi nghe PV Thanh Niên thông tin về vụ phá rừng này, Chủ tịch UBND H.Hàm Thuận Bắc Nguyễn Thanh Đạt, cho biết ông đã chỉ đạo Chủ tịch UBND xã Đa Mi và Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Hàm Thuận Bắc lên tận khu rừng bị phá xác định đơn vị chủ rừng và báo cáo kết quả cho UBND huyện. Còn Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận Mai Kiều cho hay đang phối hợp với UBND H.Hàm Thuận Bắc chỉ đạo Kiểm lâm, Ban QLRPH Hàm Thuận - Đa Mi, UBND xã Đa Mi và Công an huyện vào khu rừng bị tàn phá bấm định vị để xác định chủ rừng, đồng thời kiểm đếm những cây gỗ bị chặt hạ để có biện pháp xử lý cụ thể.
Hồ Đa Mi là hồ có chức năng chứa nước sau thuỷ điện của hồ Hàm Thuận (trên sông La Ngà). Công trình thuỷ điện Hàm Thuận- Đa Mi thuộc quản lý của Tập đoàn điện lực VN. Hồ Đa Mi cách Phan Thiết 70 km, có diện tích khoảng 750 ha mặt nước. Xung quanh là rừng phòng hộ (thuộc địa bàn của hai huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Bắc), do Sở NN-PTNT Bình Thuận quản lý. Nơi đây giáp với hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, dân cư thưa thớt, công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.