Triệt karaoke xóm ‘tra tấn’: Hết tình làng nghĩa xóm, bịt tai chịu đựng vì… hết cách

26/08/2022 12:52 GMT+7

Góp ý trực tiếp không xong, người dân bị karaoke xóm ‘tra tấn’ làm đơn gửi lên công an, ủy ban phường,… hết luôn tình làng nghĩa xóm, nhưng vẫn đành phải ‘sống chung với lũ’ bịt tai chịu đựng.

Ngày 25.8, Thanh Niên đăng tải bài viết Phạt đến 160 triệu đồng ô nhiễm tiếng ồn: Không có máy đo, sao triệt karaoke xóm “tra tấn”. Một số lãnh đạo phường cho biết khó xử lý được karaoke xóm theo Nghị định 55 vừa có hiệu lực vì không có máy đo tiếng ồn.

Đông đảo bạn đọc Thanh Niên đã để lại bình luận đề xuất cách giải quyết cũng như những lời than thở vì đang phải sống chung với “Đắp mộ cuộc tình”, “Lâu đài tình ái”,… từ ngày này qua ngày khác.

Viết đơn tập thể cũng không dứt điểm

Anh T. (ngụ Q.7, TP.HCM) cho biết, anh và hàng xóm đã cùng viết đơn tập thể gửi đến phường vì bị “tra tấn” từ tiếng ồn và âm thanh nhạc DJ suốt ngày đêm từ một quán ăn gần đó.

Karaoke, nhạc từ loa kẹo kéo ngày càng phổ biến và cũng là nỗi ám ảnh của nhiều người
Ngọc Dương

Theo anh T., đã rất nhiều lần người dân trong khu phố phản ánh về tiếng ồn, nhạc DJ từ quán ăn trên, nhưng sau nhiều lần người dân góp ý, chủ quán vẫn cứ mở nhạc, thậm chí còn “dằn mặt” những người dám ý kiến.

“Đã rất nhiều lần người dân chúng tôi gọi điện thoại kêu cứu đến bảo vệ khu phố, công an phường, ủy ban phường, ban quản lý khu phố trong tuyệt vọng… Chúng tôi chỉ mong được trả lại bình yên cho bà con trong khu phố”, anh T. bức xúc.

Không chịu nổi những âm thanh inh tai nhức óc mỗi ngày, anh T. đành chuyển nhà. Những người không có điều kiện chuyển thì vẫn ngày ngày phải bịt tai chịu đựng, các cuộc họp của tổ dân phố, khu phố, bà con vẫn ý kiến, nhưng quán vẫn chơi nhạc sống, DJ sau 22 giờ.

Tương tự, độc giả có nickname giaitrithugian2022 cũng ý kiến thường xuyên bị chiếm hẻm kéo loa hát một tuần 3 - 4 ngày.

“Gọi lên phường thì người trực nói sống phải thông cảm cho người ta giải trí, không bao giờ xử lý mặc dù chỉ yêu cầu họ đem vào nhà mà hát cũng không được. Với địa phương như vậy thì có cả 100 quy định cũng như không thôi”, bạn đọc ngao ngán.

Nhiều người cho rằng đã không còn tình làng nghĩa xóm chỉ vì karaoke
ngọc dương

Tài khoản huynhquocvuong2021 thì kể ở xóm anh, cứ chiều là karaoke tra tấn người khác. Anh nói: “Gọi công an khu vực thì xuống nhắc nhở, vừa rời đi là họ ra giữa đường gào lên "Tao biết thằng nào báo công an, tao chém chết cả nhà nó”, nghe xong cả xóm im lặng để nó tra tấn tiếp”.

Bạn đọc tên Ha cho hay, người dân đã đối phó tiếng ồn karaoke bằng cách mua loa công suất lớn hơn và mở lớn lấn át nhà kia. Bạn đọc này thắc mắc: “Nhưng xử phạt là người của UBND phường hay công an phường? UBND và công an phường có họp tổ dân phố thông báo cho người dân đâu?”.

Bạn đọc Hùng Bô cho biết đang ở tại đường Trần Văn Đang và suốt ngày phải nghe nhà bên mở nhạc to vào ban đêm. Anh bày tỏ: “Không có khái niệm “nhiều nhà mất luôn tình làng nghĩa xóm” vì nhà đó là dân anh chị. Mở to vẫn cứ mở. Cuối cùng xung quanh đành chịu đựng”.

Đề xuất quay loa vào trong nhà

Ý kiến của bạn đọc Nguyễn Văn Hòa nhận được sự đồng tình cao từ mọi người khi anh đề xuất nhà nào hát karaoke thì phải quay loa vào trong nhà để “hát cho nhau nghe, chứ không phải hát cho hàng xóm nghe”. Theo anh Hòa, khi đó, tự động người trong gia đình sẽ xử lý tiếng ồn mà chính quyền không cần phải ra tay.

Tài khoản minhdoan.cafe@gmail.com đề xuất: “Tôi đề nghị làm luật bắt buộc tất cả loa hướng vào nhà (không hướng ra ngoài đường hoặc qua nhà hàng xóm) hoặc vào nhóm người đang ca hát và đặt hoàn toàn trong kiến trúc ngôi nhà, dưới mái nhà ở, không phải ngoài vườn, vỉa hè”.

Nhiều người mong muốn xử lý triệt để karaoke xóm để trả bình yên cho xóm làng
ngọc dương

Nickname Anh lái tàu họ Nhạc cho rằng, Nghị định đã có hiệu lực thì phải bằng mọi cách thực thi, khó khăn ở đâu thì tập trung gỡ ở đó. “Chỉ thấy bàn lùi, rồi tình làng nghĩa xóm... Tôi xin lỗi chứ nếu các cá nhân hát karaoke bằng loa kẹo kéo nghĩ đến tình làng nghĩa xóm thì khi hàng xóm nhắc nhở đã khắc phục rồi và người dân đã không phải báo đến UBND phường”, anh nói.

Độc giả Lĩnh Hồng thở dài: “Hy vọng mỗi ấp mua được cái máy để đo, phạt, nghe riết giống như bị thần kinh vậy, chán, 80% dân thôn xóm có dàn loa, tôi trong 20% còn lại. Âm thanh bủa vây tá lả nghe riết hết chịu nổi”.

Anh Sơn Nguyễn cho rằng, đã muốn xử lý triệt để karaoke xóm thì cần phải làm cho tới. Anh so sánh: “Máy đo nồng độ cồn trang bị cho CSGT được thì tại sao thiết bị đo tiếng ồn bán đầy lại không thống nhất được loại nào cụ thể và mỗi phường xã phải tự trang bị số lượng hay lấy kinh phí mua để cấp cho lực lượng chuyên trách nào”.

Bạn đọc tên Duc Hoang Nguyen cũng thắc mắc hỏi, không lẽ bất lực với vấn nạn karaoke xóm “tra tấn” này. Nếu vậy thì người dân phải cầu cứu ai bây giờ. Anh nhận xét: “Nếu tình trạng này để lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đoàn kết giữa người dân với nhau”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.