Hạn chế đi lại, làm việc tại nhà trong thời gian TP.HCM giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 cũng là lúc nhiều hộ gia đình bị tra tấn bởi tiếng karaoke xóm văng vẳng bên tai. Từ sáng đến tối chỉ “Đắp mộ cuộc tình”, “Lâu đài tình ái”, rồi ca cổ lặp đi lặp lại khiến nhiều người ức chế phải thốt lên: "Đắp có ngôi mộ mà suốt mấy ngày cũng chưa xong".
“Hát dở mà hát hoài”
Chuyển đến chung cư tái định cư tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM) chưa lâu, nhưng chị gia đình chị Hoa Xuân (35 tuổi) nói cảm thấy sợ hãi trước tiếng karaoke của hàng xóm. Chị kể, chung cư chỉ có hơn 30 hộ nhưng 2 hộ liên tục hát hò, trở thành nỗi ám ảnh của những nhà xung quanh.
“Thông thường cứ tối là hàng xóm mở karaoke hát, giọng phô, lệch tông nhưng cứ hát choe chóe, từ người già đến con nít cứ vậy thay phiên nhau hát đủ thể loại nhạc. Hát đến 22 giờ chưa nghỉ, hàng xóm nhắn lên nhóm chung cư, họ chỉ xem không nói gì. Nhờ đại diện ban quản trị nhắc nhở thì họ nói vừa mới mở. Trẻ con không ngủ được, người lớn cũng không được phút nghỉ ngơi sau cả ngày đi làm”, chị Xuân bức xúc.
|
Nhưng đó mới chỉ là ngày thường, vào dịp cuối tuần, hàng xóm của chị lên nhạc từ trưa. Vẫn là “Đắp mộ cuộc tình”, “Thà rằng như thế” cho đến những bài nhạc trẻ đang thịnh hành, chuyển sang ca cổ rồi quay lại nhạc vàng…
Chị Xuân thở dài: “Được hàng xóm góp ý, họ đóng cửa vào hát, nhưng chung cư cách âm không tốt nên đóng cửa cũng không khác gì với mở cửa. Tiếng hát cứ như đấm ở bên tai. Hát dở mà hát hoài. Gia đình có nhiều người “phức tạp” nên hàng xóm không ai muốn gây gổ, đành chịu!”.
Tương tự, anh Hưng Duy (30 tuổi) thuê nhà trọ gần đó cũng cho biết, không chỉ khi giãn cách xã hội mà trước đó, hàng xóm anh cũng hát karaoke liên tục. “Giờ ai cũng xài điện thoại kết nối wifi, sắm thêm loa kẹo kéo và chiếc mic là thành ca sĩ tại gia hết. Có lúc hai ba nhà cùng hát, nhà ai thì người đó nghe, còn hàng xóm nghe âm thanh hỗn tạp luôn. Cũng có khi nhà này hát vừa tắt thì nhà khác lại mở hát tiếp như chạy tiếp sức, chỉ khổ hàng xóm”, anh Duy chia sẻ.
Ngại góp ý, sợ đụng chạm
Anh T.L (ngụ H.Nhà Bè) cho hay, anh từng qua nói chuyện thẳng thắn với hàng xóm về chuyện hát karaoke ồn ào, ảnh hưởng tới hàng xóm nhưng đâu cũng vào đó. Anh phải báo công an khu vực đến làm việc, hàng xóm lập tức tắt máy, nghỉ hết 2 ngày.
|
“Có lẽ vì đam mê, sau đó hàng xóm tiếp tục hát, mà mỗi lần hát thì cứ phải mở loa hết công suất, phải hát như một liveshow dài mấy tiếng đồng hồ. Tôi lại báo công an xuống, lần đó hàng xóm vẫn bị công an nhắc, nhưng cả xóm tôi không bị karaoke tra tấn nữa”, anh nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thẳng thắn sang góp ý hàng xóm như anh L.. Trên mạng xã hội, nhiều người vẫn than phiền về karaoke xóm, nhất là trong những ngày giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra đường. Dân mạng ví đây như một cách thức tra tấn của những người nhà bên, nhưng ngại góp ý vì lo sẽ đụng chạm tay chân, hoặc nhẹ thì hàng xóm cũng ngại nhìn mặt nhau lần sau.
|
Anh Nguyễn Văn Nguy (37 tuổi, ngụ H.Nhà Bè) kể, gần nhà anh có gia đình ngày nào cũng hát karaoke 4 – 5 tiếng. “Hàng xóm tôi về đến nhà là mở hát, vừa hát vừa nhâm nhi vài lon bia hay xị rượu. Nhìn thấy người ta ngà ngà vậy nên chẳng ai muốn góp ý làm gì, nhỡ có gì không kiểm soát được thì mệt thêm, nhưng đã có bia vào thì giọng lè nhè như hét vậy không chịu được”, anh bộc bạch.
Ông Phan Đình An (Chủ tịch UBND P.6, Q.Gò Vấp) cho biết, nhiều người dân ngại không nhắc nhở hàng xóm hát karaoke ồn ào vì ngại đụng chạm, xảy ra mâu thuẫn, mất lòng nhau.
Riêng tại P.6, ông An cho biết, đa số người dân hát karaoke ồn ào đều chấp hành khi có phường xuống nhắc nhở, người dân báo tin về hàng xóm hát karaoke ồn cũng được bảo mật thông tin cá nhân.
Theo ông An, người dân có thể phản ánh tiếng ồn như karaoke xóm qua tổng đài 1022, các thông tin sẽ được chuyển về địa phương xử lý nhanh chóng hoặc báo trực tiếp đến UBND, Công an phường.
Bình luận (0)