Karaoke xóm, màn 'tra tấn' nhiều người khóc ròng - Kỳ cuối: Xử phạt dễ hay khó?

12/03/2018 09:33 GMT+7

Các chuyên gia pháp lý cho rằng hiện tại có chế tài xử phạt với hành vi gây ồn ào ở khu dân cư, tuy nhiên mức phạt còn đang quá nhẹ nên ‘chưa ai sợ’.

Tình trạng hát karaoke "phá làng, phá xóm" đang diễn ra ở nhiều nơi; lúc thì mở loa trong nhà, hứng quá lại kéo dàn âm thanh ra luôn trước cửa nhà và thoải mái “la hét” để hàng xóm cùng thưởng thức, bất chấp giọng hát hay dở thế nào, bài hát sầu não hay sôi động ra sao.
Chuyện hàng xóm nhẫn nhịn 2 - 3 lần thành ra ức chế nên phát sinh mâu thuẫn giữa láng giềng, nhẹ thì cự cãi, nặng thì xô xát và hậm hực trường kỳ với nhau. Nhưng tới khi mâu thuẫn lên đỉnh điểm thì án mạng xảy ra như sự việc đáng tiếc này ở Hà Tĩnh vừa rồi.
Có quy định xử phạt…
Luật sư (LS) Huỳnh Công Thư, Đoàn LS tỉnh Long An, cho rằng hành vi hát karaoke gây ảnh hưởng đến người khác chính là hành vi gây ô nhiễm môi trường về tiếng ồn đã bị cấm theo Luật môi trường 2014.
Bầu chọn
Bạn nghĩ gì về việc hát karaoke gây ồn ào cho hàng xóm?
Cụ thể, Thông tư 39/2010/BTNMT quy định về tiêu chuẩn tiếng ồn cho phép trong khu dân cư là 70 dBA từ 6 giờ đến 21 giờ đêm; 55dBA từ 21 giờ đêm (là giờ nghỉ ngơi) đến 6 giờ sáng hôm sau.
LS Thư nêu ý kiến: Hát karaoke gây ra tiếng ồn quá quy định trên thì bị phạt hành chính bằng biện pháp phạt tiền rất nghiêm khắc từ 1.000.000 đến 5.000.000 đồng cho hành vi gây tiếng ồn vượt quá 2 đến 5 dBA, mức phạt cao nhất lên tới 160.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm và bị buộc phải chi trả chi phí kiểm định, đo đạc độ ồn.
… nhưng thiếu khả thi!
Cũng theo LS Thư, tuy có nghiêm khắc nhưng quy định này thiếu tính khả thi. LS Thư nói: “Mặc dù Nghị định ghi rõ thẩm quyền ra quyết định xử phạt là từ Chủ tịch UBND trở lên nhưng vi phạm xảy ra vẫn phải do chính quyền cơ sở lập biên bản, hồ sơ xử lý ban đầu, họ không có phương tiện đo độ ồn và như vậy không có căn cứ khoa học để xử lý, cộng với kiến thức pháp luật trong lĩnh vực môi trường kém nên không xử lý được”.
Một Chủ tịch phường cho biết việc xử phạt chưa sát quy định và khó khăn vì cấp UBND phường chỉ được lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính tối đa 5 triệu đồng. Mặt khác, ở hình thức karaoke gia đình, lập biên bản rồi người dân không đóng cũng không thể làm gì được.
Đủ kiểu hát karaoke khiến hàng xóm đinh tai nhức óc Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Do vậy, LS Thư cho rằng để khắc phục tình trạng này, chính quyền cơ sở nên tiến hành giáo dục phổ biến pháp luật trong khu dân cư, lực lượng công an phường nên phản ứng nhanh, khi nhận được tin báo của nhân dân phải ngăn chặn ngay hành vi vi phạm và lập biên bản xử phạt đúng qui định pháp luật, cần nâng cao ý thức sống cộng đồng trong khu dân cư, xây dựng nếp sống văn hóa mới.
LS Võ Văn Trà, Đoàn LS TP.HCM thì nêu quan điểm: Thực tế thì ở các thành phố lớn, karaoke tồn tại dưới nhiều loại hình khác nhau: kinh doanh karaoke có điều kiện, karaoke giải trí gia đình, karaoke bán hàng... Tuy nhiên, cái chúng ta cần một chế tài mạnh hơn không chỉ về giới hạn âm thanh mà phải giới hạn cả giờ giấc cụ thể với loại hình karaoke giải trí gia đình, bán hàng mang tính bất chấp giờ giấc.
“Thậm chí khi đưa hình thức xử phạt hành vi hát karaoke gây ồn ào này vào xử phạt bảo vệ môi trường là chưa trọng tâm, và thực tế không dễ xử phạt hành chính. Bởi lẽ muốn xử phạt thì phải đo cường độ âm thanh được cho là quá quy định cho phép bằng thiết bị chuyên dùng nhưng các thiết bị này lại không phổ biến”, LS Trà phân tích.
Cần thay đổi!
Theo LS Huỳnh Công Thư, hành vi gây tiến ồn chính là hành vi vi phạm luật bảo vệ môi trường và là hành vi làm ô nhiễm môi trường. Thế nhưng các cơ quan chuyên trách bảo vệ môi trường dường như chưa quan tâm đến lĩnh vực này.
Do vậy, LS Thư đề nghị nên có lực lượng phản ứng nhanh trong lực lượng cảnh sát môi trường và Thanh tra môi trường với đường dây nóng thông báo cho rộng rãi quần chúng nhân dân biết để gọi báo; từ đó sẽ giúp hạn chế các hành vi vi phạm xảy ra, giữ được sự yên bình cho khu dân cư.
Các chế tài xử phạt hành vi hát karaoke còn thiếu tính khả thi Ảnh: Ngọc Thắng
Để giải quyết triệt để và có hiệu quả tình trạng này, LS Trà đề xuất cần có một công cụ pháp luật với chế tài đủ mạnh và với tình trạng bùng phát các loại hình karaoke hiện tại các quy định này càng phải được cụ thể hóa và mang tính chuyên biệt.
“Không cần phải chờ nghị định hay văn bản hướng dẫn thi hành mà tùy theo tình hình địa phương, ở mỗi tỉnh hay thành phố cần có những quy định cụ thể. Song song, cần đưa quy định này vào bộ quy chế khu phố văn hóa, gia đình văn hoá... với sự giám sát của ban điều hành khu phố, tổ trưởng tổ dân phố...; có như thế mới hi vọng hạn chế và giải quyết một cách quy củ tình trạng này”, LS Trà nêu quan điểm.
LS Lê Việt Hùng, Hãng luật Minh Mẫn thì cho rằng điều cần thay đổi nhất đó là ý thức của người dân. Việc tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức mới là điều cốt lõi để loại bỏ “văn hóa ồn ào vô tội vạ” ra khỏi đời sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.