Tuần báo Giác Ngộ (TP.HCM) số 379 (3.5.2007), đã giới thiệu 12 bài hát nói với nội dung: “Quốc đạo Việt Nam” công bố nhân dịp Lễ giỗ Vua Hùng năm 2007 và đã ghi lời tôi phát biểu: “Tôi cả đời gắn bó với sử học, chỉ có niềm yêu thích ca trù, thế mà dạo gần đây, khi trăn trở về Quốc tổ và suy nghĩ về một nền Quốc đạo, tôi bỗng cảm hứng viết 12 bài hát nói trong một khoảng thời gian ngắn”.
Bắt đầu nghiên cứu lịch sử thời Hùng Vương từ những năm 1960, tôi đã nêu nhận định: “Toàn dân thờ cúng Quốc tổ cũng như mỗi gia đình thờ cúng gia tiên. Và tổ tiên của một gia đình, tổ tiên của một dân tộc, một quốc gia... là biểu hiện của “đạo”, con đường của loài người trong quá trình hướng thiện. Từ nền nếp gia phong của mỗi gia đình, việc thờ cúng trở thành phong tục ngàn năm của đất nước ta. Một thành tựu của văn hóa sâu đậm từ gia đình đến toàn xã hội, ăn sâu vào tâm thức tâm linh của người dân, phải chăng, đó là Quốc đạo. “Đạo” ở đây không phải là tôn giáo mà là con đường, là xu hướng đi lên của dân tộc.
Các dân tộc Á Đông đều coi trọng việc thờ cúng tổ tiên như một hành động ghi nhớ cội nguồn. Có những điều thiêng liêng trong truyền thống đạo lý Việt Nam đã được bao thế hệ truyền tụng qua ca dao tục ngữ hay trong những di ngôn, tác phẩm nổi tiếng. Đó chính là những triết lý sống, là nền tảng cho một nền Quốc đạo của nước ta.
Các bài hát nói mà tôi sáng tác đi từ cảm xúc thăng hoa trước những giá trị đạo đức quý báu ấy. Chẳng hạn như tinh thần đùm bọc nhau của người dân Việt, trong bài “Triết lý bầu bí - bầu ơi thương lấy bí cùng”... “Thương người như thể thương thân” lại cụ thể hơn đạo lý “Từ bi”,” hay “ Bác ái”. “Ở đời muôn sự của chung” hay “Chết vinh còn hơn sống nhục” đúng là triết lý sống, khí phách hào hùng của dân tộc Việt.
Ngay cả quan niệm truyền thống: “Giấy rách giữ lấy lề”, “Cây ngay không sợ chết đứng”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”, “Công cha như núi Sóc Sơn”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều” cũng được chuyển thành bài hát nói rất ngọt ngào...
Tư tưởng “đại nghĩa chí nhân” của Nguyễn Trãi cũng gây niềm cảm hứng. Đại nghĩa phải đi đôi với chí nhân, ấy là mực thước của dân tộc, là cốt cách của người Việt ta. Nó thể hiện bằng nhiều cách tùy từng thời kỳ lịch sử. Có thể là thái độ rộng lượng khoan dung đối với kẻ thù khi thua trận ở thời Nguyễn Trãi, hay tinh thần đoàn kết, hòa giải dân tộc như chủ trương của nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Sau 5 năm những ý tưởng trong những bài hát nói được lục bát hóa và trở thành hát thơ Quốc đạo với những làn điệu dân ca, ca cổ.
Tôi nghĩ rằng dùng ca trù hát nói, hát thơ thể hiện nét độc đáo của Việt Nam, bằng ngôn từ Việt để nói về Quốc đạo Việt Nam là tăng thêm ý nghĩa cho khái niệm Quốc đạo vậy.
Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (tiến sĩ sử học)
Bình luận (0)