Triết lý sống SOJI của người Nhật: Dọn dẹp là tu hành

17/02/2024 13:54 GMT+7

“Một, dọn dẹp. Hai, niệm Phật… và quét lá rụng”. Buổi sáng ở chùa bắt đầu từ việc thực hành SOJI như thế. Bốn mùa luân chuyển, người tu hành tự điều chỉnh bản thân, bền bỉ, tận hưởng việc dọn dẹp - một phần việc quan trọng của tu hành.

Giới thiệu lối sống này, sách "Phủi bụi tâm hồn" của nhà sư Shoukei Matsumoto mở ra không gian Phật giáo với những bài thực hành SOJI dễ thực hiện tại nhà.

Triết lý sống SOJI của người Nhật: Dọn dẹp là tu hành- Ảnh 1.

Sách "Phủi bụi tâm hồn" do Văn Lang Books phát hành tháng 1.2024

SOJI trong tiếng Nhật có nghĩa là dọn dẹp, nhưng thay vì thuê người đến làm sạch nhà cửa, triết lý SOJI hướng mọi người lấy việc tự dọn dẹp làm niềm vui, một thói quen để sống toàn tâm, chánh niệm trong phút giây hiện tại.

Đệ tử của Phật Thích Ca - Châu Lỵ Bàn Đà Già - thường tụng rằng: "Rũ sạch bụi bẩn, phủi sạch tâm hồn", vừa quét dọn vừa tụng như thế mà đạt giác ngộ. Đó là chưa kể, các chuyên gia tâm lý cũng tán thành việc dọn dẹp, vận động xung quanh nhà cũng đóng góp tích cực vào quá trình trị liệu bệnh trầm cảm.

Không chỉ Phật tử mới thực hành SOJI, việc dọn dẹp là ngôn ngữ cơ thể dành chung cho mọi tôn giáo - thánh địa khuyến khích con người làm sạch chính mình và môi trường. Và việc thực hành, theo đạo Phật ở Nhật Bản, không chỉ giới hạn ở việc ngồi thiền mà tất cả điều xảy ra trong cuộc sống, như quét nhà, rửa bát, sắp xếp, tái chế… nhìn chung là dọn dẹp.

Bản dịch tiếng Việt với phong cách nhẹ nhàng, trau chuốt dẫn dắt người đọc qua những vùng đất dọn dẹp của các tăng sĩ, cách họ chuyển đổi, vứt bỏ tạp niệm trong khi tu hành. Triết lý SOJI giúp bạn nhận ra hạnh phúc và tự do đến từ việc "không sở hữu", chỉ giữ lại những điều quan trọng và hồi sinh "rác" trong hình hài mới.

Sách Phủi bụi tâm hồn do Văn Lang Books vừa phát hành tháng 1.2024.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.