Dù trùng sốt rét là thủ phạm gây ra bệnh sốt rét nhưng căn bệnh này lại lây lan qua vết đốt của muỗi. Trước đây, đối phó với căn bệnh này bằng thuốc diệt côn trùng đã làm tăng số lượng côn trùng kháng thuốc nên các nhà khoa học phải tìm hướng khác bằng cách tác động đến vòng đời của loài muỗi, tức phương pháp can thiệp vào sự sinh sản của chúng.
Song phương pháp này thực tế lại phức tạp hơn dự đoán. Sốt rét không được truyền bằng muỗi đực mà chỉ truyền qua viết đốt của muỗi cái có mang. Nghiên cứu một trong 40 loài muỗi lây truyền căn bệnh này trong tự nhiên, các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Hoàng gia Anh đã tạo ra được 100 con muỗi đực không có tinh dịch, theo báo cáo đăng trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences.
Trong cuộc thử nghiệm, Tiến sĩ Flaminia Catteruccia và các cộng sự đã làm lặn đi một gen có tên gọi zpg vốn chịu trách nhiệm sản sinh tinh trùng. Những con muỗi thí nghiệm khi gặp con cái cũng “cạnh tranh” sòng phẳng với các con đực khác và giao phối nhưng sự gặp gỡ đó không “đơm hoa kết trái”.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nỗ lực “triệt sản” loài côn trùng này dựa vào bức xạ nhưng nó cũng làm ảnh hưởng khả năng tương tác của con đực với con cái. Phương pháp mới khắc phục được hạn chế này.
Theo Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ, sốt rét là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 5 trong số các bệnh truyền nhiễm trên thế giới.
Khang Huy
Bình luận (0)