Thậm chí, nhiều sinh viên không buồn sửa tên khoa, ngành của trường bạn. Kể cả lời cảm ơn người hướng dẫn cũng là sản phẩm sản xuất hàng loạt.
Chuyện này không mới nhưng đáng lo ngại vì ngày càng trở nên trầm trọng, đến mức ngoài rất ít trường đưa ra các biện pháp chế tài, phần lớn các trường đành chấp nhận sống chung với sao chép ở mức có thể chấp nhận được!
Có nhìn thấy thực tế hoạt động giáo dục ở các cấp mới hiểu rằng tại sao đến bậc đại học, các giảng viên đành chịu “bó tay” trước vấn nạn sao chép luận văn hay rộng hơn là trong học thuật.
Mọi điều cần phải được giải quyết từ gốc. Từ tiểu học mà học sinh được yêu cầu, khuyến khích viết văn theo bài mẫu, vô tư đạo văn thì khó lòng ngăn chặn hành vi lấy toàn bộ luận văn của người khác biến thành của mình khi trở thành sinh viên. Cũng như vậy, trong môi trường giáo dục, thầy cô là tấm gương soi cho học sinh. Nếu giáo viên vẫn vô tư mua giáo án bày bán trên mạng rồi cứ thế đem ra giảng dạy hoặc đối phó với việc kiểm tra của các cấp lãnh đạo, như Thanh Niên phản ảnh, thì rất khó để xóa bỏ hành vi đạo văn - một trong những vấn đề gây nhức nhối của giáo dục VN lâu nay.
Tri thức là của nhân loại nên việc nghiên cứu, học hỏi từ người đi trước hoặc từ nguồn tài liệu có sẵn là chuyện rất đỗi bình thường, thậm chí cần khuyến khích. Nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ tham khảo hoặc trích dẫn có ghi nguồn. Còn vô tư “xài chùa” công trình của người khác, hồn nhiên sao chép tài liệu lẫn nhau thì không thể gọi là học hỏi hay tham khảo, mà đó chính là hành vi vi phạm đạo đức học thuật.
Vấn đề quan trọng, nếu không dạy dỗ, ngăn chặn thói quen này từ cấp học nhỏ nhất thì hậu quả không chỉ là hành vi đạo văn mà còn kéo theo những hệ lụy khác khiến người VN luôn gặp trở ngại khi bước ra thế giới. Đó là thiếu tư duy sáng tạo và tinh thần phản biện.
Làm sao hướng học sinh đến sáng tạo, đổi mới nếu vẫn khuyến khích học thuộc lòng, sao chép văn mẫu hay tư duy theo người khác? Chừng nào giáo viên không bắt học sinh phải sửa những cách diễn đạt tuy ngây ngô nhưng rất thật của lứa tuổi mình thành kiểu suy nghĩ của người lớn thì khi ấy may ra học sinh mới thoát khỏi cách học từ chương, vì chỉ khi có tự do nhất định thì người học mới có thể phát huy được tư duy sáng tạo. Chừng nào đánh giá, điểm số không còn phụ thuộc vào kiến thức thông qua học thuộc lòng thì khi đó mới hạn chế sự sao chép, học sinh mới có cơ hội sáng tạo, trình bày chính kiến…
Thế giới biến đổi không ngừng, công nghệ góp phần làm cho mọi thứ thay đổi chóng vánh. Có những kiến thức hôm nay học, mai đôi khi đã trở nên lạc hậu. Không ai có thể dạy hết kiến thức cho học sinh, nhưng có thể cung cấp cho họ những nền tảng căn bản để ứng phó với mọi tình huống trong cuộc sống. Tư duy sáng tạo và phản biện là những nền tảng cần thiết đó. Mà điều này chỉ có được trong một nền giáo dục không đặt nặng vào sự sao chép.
Bình luận (0)