Triều cường, sóng lớn tàn phá ven biển

13/12/2011 00:57 GMT+7

Trong đêm 11 và ngày 12.12, triều cường kèm theo sóng lớn tiếp tục tàn phá các vùng ven biển Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; đồng thời đánh chìm một số tàu cá của ngư dân.

Trong đêm 11 và ngày 12.12, triều cường kèm theo sóng lớn tiếp tục tàn phá các vùng ven biển Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; đồng thời đánh chìm một số tàu cá của ngư dân.

 

Nhiều ngôi nhà ở làng chài An Cường, xã Bình Hải, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) có nguy cơ bị cuốn trôi ra biển vì triều cường - Ảnh: Hiển Cừ

Tại Quảng Ngãi, do biển động mạnh suốt cả tuần qua nên không tàu thuyền nào dám qua lại khiến đảo Bé (xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn) bị cô lập hoàn toàn. Ông Phan Đình Phương - Chủ tịch UBND xã An Bình - cho hay hơn 100 hộ dân với trên 500 nhân khẩu đang “khát” thực phẩm và rau xanh. Bị cô lập nhiều ngày, nông dân đảo Bé lo lắng bởi hàng trăm tấn hành củ vừa mới thu hoạch đứng trước nguy cơ thối rữa, bán rẻ cũng chẳng có ai mua. Còn tại đảo Lớn (gồm xã An Vĩnh và An Hải) do bị cô lập 5 ngày qua nên các mặt hàng thiết yếu đồng loạt tăng giá.

Sóng lớn tiếp tục ập vào làng chài An Cường, xã Bình Hải, H.Bình Sơn khiến 48 hộ gia đình hết sức lo lắng vì nhà cửa đứng trước nguy cơ bị cuốn trôi ra biển.

Tại Phú Yên, cảng cá P.6, TP.Tuy Hòa là nơi neo đậu của hơn 200 tàu thuyền. Đêm 11.12, triều cường kèm theo sóng lớn đã kéo theo hàng trăm mét khối cát bồi lấp cảng này khiến mọi hoạt động ở đây bị tê liệt. Ngoài ra, những đợt sóng cao hơn 6m liên tiếp đã đánh sập các bức tường, cuốn phăng nhiều mái tôn của một số cơ sở chế biến cá nằm gần khu vực cảng và của nhiều hộ dân sống gần bờ biển. Chính quyền dùng bao cát để đắp đê bao chắn, chống triều cường xâm thực.

Chiều 12.12, ông Nguyễn Phụng Ngoạn - Phó chủ tịch UBND H.Tuy An - cho biết chính quyền xã An Ninh Đông (H.Tuy An) đã huy động lực lượng dùng 300 bao cát để khắc phục đoạn bờ kè xóm An Vũ bị triều cường xâm thực, gây sạt lở hơn 50m và khoét sâu vào đường giao thông 1m.

Tại Bình Định, từ tối 11 đến rạng sáng 12.12, triều cường đã gây bồi lấp kè chắn sóng tại xã đảo Nhơn Châu (TP.Quy Nhơn) khiến xã đảo đang bị cô lập với đất liền này càng khó khăn hơn. Triều cường dâng cao kèm theo sóng lớn đã làm sạt lở một số đoạn bờ kè chắn sóng tại xã bán đảo Nhơn Hải (TP.Quy Nhơn), đe dọa nhà cửa và tính mạng của các hộ dân sống dọc bờ biển. UBND xã Nhơn Hải đã hỗ trợ xi măng, bao cát, đồng thời huy động lực lượng khẩn trương gia cố hệ thống kè chắn sóng.

Khu vực ven biển Quy Nhơn, sóng to và cao tới 4-6m đã tràn lên một số đoạn trên đường Xuân Diệu, gây xói lở vỉa hè và bồi lấp mặt đường. Tại P.Ghềnh Ráng, sóng lớn đã tràn vào một số nhà dân ở khu vực Bãi Xếp, làm hư hại một số bè nuôi tôm hùm giống và đánh chìm tàu đánh cá của ông Võ Dạng.

37 ngư dân đang trôi dạt trên biển

Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Bình Định cho biết sáng 12.12, Bộ đội biên phòng tỉnh đã liên lạc được với tàu cá BĐ 95392-TS do anh Nguyễn Văn Đồ (39 tuổi, ở xã Tam Quan Bắc, H.Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng. Khuya 10.12, khi đang hành nghề ở khu vực quần đảo Trường Sa, tàu này bị gãy láp, mất chân vịt, trôi tự do trên biển, trên tàu có 9 ngư dân. Hiện tàu của anh Đồ đang được tàu cá BĐ 96218-TS của ông Nguyễn Cam ở cùng địa phương lai dắt. Bình Định hiện còn 275 tàu cá với 2.466 lao động đang đánh bắt hải sản ở vùng nguy hiểm không kịp vào bờ.

Trước đó, tàu cá QNg-27411 TS của ngư dân Trần Nghề (ở xã Nghĩa An, H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), trên tàu có 10 ngư dân, đã bị sóng to, gió lớn đánh vỡ, nước tràn vào tàu khi đang đánh bắt ở vùng biển Trường Sa. Nhận được tín hiệu cầu cứu, tàu cá của ngư dân Trần Tổng (ở cùng địa phương) đã đến ứng cứu kịp thời. Quảng Ngãi có 768 tàu cá với 5.373 lao động đang còn trên biển, trong đó khu vực quần đảo Trường Sa có 50 tàu với 770 lao động.

Còn tại Phú Yên, do biển động, 1 ngư dân đã mất tích khi đang đánh bắt tại khu vực Trường Sa, 3 tàu cá với 37 ngư dân đang trôi dạt về phía Malaysia do tàu bị chết máy. Phú Yên hiện có 300 tàu thuyền với 2.655 ngư dân đang đánh bắt cá ngừ đại dương tại khu vực Trường Sa, trong đó chỉ có 10 tàu đã vào neo đậu an toàn tại Philippines.

Các tỉnh đã đề nghị Bộ Ngoại giao thông báo cho các nước trong khu vực cho phép số tàu cá này được vào lánh nạn trong trường hợp khẩn cấp.

Nam Bộ đang có “mùa đông”

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan (Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ) cho biết nhiệt độ tại Nam bộ vào sáng 12.12 giảm từ 2 - 4 độ C so với những sáng trước đó; nhiều nơi nhiệt độ đã xuống dưới dưới 20 độ C. Nơi lạnh nhất là Long Khánh (Đồng Nai) 17,2 độ C, kế đến là Phước Long (Bình Phước), Tây Ninh 18 độ C. Tại TP.HCM, nhiệt độ đã giảm 4 độ so với 2 ngày trước, xuống mức 18,4 độ C và là ngày lạnh nhất từ đầu mùa đông đến nay.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan cho hay thời điểm lạnh nhất trong mùa lạnh năm nay ở Nam bộ sẽ xảy ra từ dịp lễ Noel cho đến tết dương lịch, với nhiệt độ thấp nhất tại TP.HCM sẽ ở khoảng từ 17-18 độ C, lạnh cỡ như năm ngoái.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh nên khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9; biển động mạnh. Ở vùng biển ngoài khơi Trung bộ tiếp tục có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, biển động mạnh. Khu vực bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; biển động mạnh.

M.Vọng - Q.Duẩn

H.Cừ - Đ.Huy - P.Hùng - T.T.Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.