Triều cường xâm thực đe dọa hàng trăm người dân Quảng Ngãi, Bình Định

Hải Phong
Hải Phong
09/01/2025 14:41 GMT+7

Triều cường xâm thực ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng của hàng trăm người dân ở Quảng Ngãi và Bình Định.

Quảng Ngãi: Sạt lở đe dọa tính mạng người dân ở khu vực biển Sa Cần

Nhiều năm trở lại đây, tình trạng triều cường xâm thực, sạt lở cuốn trôi đất đai, nhà cửa của các hộ dân sống tại khu vực cửa biển Sa Cần (thuộc thôn Tân Hy 1, xã Bình Đông, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) ngày càng nghiêm trọng. Hiện có gần 100 người ở khu vực này đang bị ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và an toàn tính mạng.

Triều cường xâm thực đe dọa hàng trăm người dân Quảng Ngãi, Bình Định- Ảnh 1.

Triều cường xâm thực, bão lũ khiến nhà dân bị hư hỏng nghiêm trọng

ẢNH: HẢI PHONG

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, khu vực cửa biển Sa Cần bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn ăn sâu vào đất liền hơn 10 m với chiều dài gần 500 m. Tình trạng này gây ảnh hưởng cuộc sống và đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, nhà ở của người dân.

Nhiều hộ dân đã gia cố bằng cọc tre, bờ đá, xây tường chắn bằng đá hộc… để ngăn ngừa sạt lở. Tuy nhiên, việc gia cố chỉ mang tính chất tạm thời, không có khả năng chống chịu khi sóng lớn, thiên tai, bão lũ xảy ra.

Triều cường xâm thực đe dọa hàng trăm người dân Quảng Ngãi, Bình Định- Ảnh 2.

Triều cường xâm thực gây sạt lở tại cửa biển Sa Cần

ẢNH: HẢI PHONG

Bà Nguyễn Thị Bằng (51 tuổi, ở thôn Tân Hy 1, xã Bình Đông) cho biết, năm 2020, bão số 9 đổ bộ khu vực cửa biển Sa Cần, nhà của bà bị sập một phần, hư hỏng nghiêm trọng. "Đến hiện tại, tôi vẫn chưa xây lại được nhà ở. Ngôi nhà không có người ở trong thời gian dài bị cỏ dại mọc, tường bám đầy rêu, nhiều hạng mục xuống cấp", bà Bằng nói.

Để ứng phó với tình huống này, chính quyền địa phương luôn theo dõi triều cường, sóng lớn, bão lũ, khoanh vùng các khu vực nguy hiểm; thường xuyên thông tin cho các hộ dân biết, sẵn sàng phương án di dời. Đồng thời, chủ động khắc phục, hạn chế sạt lở bờ biển bằng các vật liệu tại chỗ, sẵn có. Chủ động bố trí lực lượng xung kích, dân quân, công an phối hợp với biên phòng, cảnh sát biển… để kịp thời ứng phó, gia cố bờ biển khi xảy ra sạt lở.

Triều cường xâm thực đe dọa hàng trăm người dân Quảng Ngãi, Bình Định- Ảnh 3.

Lãnh đạo H.Bình Sơn kiểm tra sạt lở tại thôn Tân Hy 1, xã Bình Đông

ẢNH: HẢI PHONG

Trước tình hình trên, UBND H.Bình Sơn đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở cửa biển Sa Cần ở xã Bình Đông và đầu tư khẩn cấp kè kiên cố chống sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng, nhà ở, đất ở của người dân.

Bình Định: Triều cường nuốt nhà dân

Còn tại bờ biển An Quang Đông (TT.Cát Khánh, H.Phù Cát, Bình Định), triều cường xâm thực khiến nước biển dâng cao kết hợp sóng lớn đã gây sạt lở bờ biển. Mưa lớn kết hợp triều cường đã "nuốt" 1/3 nền nhà của 1 hộ dân trong khu vực cùng nhiều diện tích hồ nuôi tôm, công trình phụ của 2 hộ dân lân cận.

Triều cường xâm thực đe dọa hàng trăm người dân Quảng Ngãi, Bình Định- Ảnh 4.

Triều cường xâm thực gây sụt lún nhà dân ở gần bờ biển An Quang Đông (TT.Cát Khánh, H.Phù Cát, Bình Định)

ẢNH: H.P.

Ngày 9.1, ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND TT.Cát Khánh, cho biết địa phương đã có văn bản báo cáo với UBND H.Phù Cát về tình trạng sạt lở, xâm thực tại bờ biển An Quang Đông, đồng thời đề nghị lãnh đạo huyện sớm xem xét, có hướng giải quyết nhằm tạo điều kiện cho hộ dân bị ảnh hưởng.

Theo ông Tiến, nhà ở của ông Trương Văn Đông xây dựng năm 2019 với diện tích 72 m2, tại khu phố An Quang Đông. Qua kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng ghi nhận tình trạng sạt lở hàm ếch phần móng, nền nhà bị sụt lún nghiêm trọng có nguy có sập nhà bất cứ lúc nào.

Triều cường xâm thực đe dọa hàng trăm người dân Quảng Ngãi, Bình Định- Ảnh 5.

Người dân dùng đá hộc để gia cố tại khu vực sạt lở

ẢNH: H.P

"Trước đợt thiên tai năm 2024, chính quyền địa phương đã vận động hộ dân di dời đến nơi an toàn, trong nhà chỉ còn lại một số ít đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Hiện nay, các hội đoàn thể ở địa phương đã hỗ trợ người dân di dời đồ đạc ra khỏi nhà để tránh bị thiệt hại. Đồng thời, lực lượng chức năng và người dân tại địa phương đã dùng bao cát, đá chẻ để chắc sóng các đoạn xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng hộ dân", ông Tiến nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.