Đáp lại biện pháp trừng phạt của Nhật Bản, Triều Tiên quyết định giải tán Ủy ban điều tra về vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc và tuyên bố “sẽ có biện pháp trả đũa mạnh mẽ”, theo Kyodo ngày 12.2.
Ảnh chụp từ truyền hình Triều Tiên ngày 7.2.2016 cho thấy lãnh đạo Kim Jong-un cùng các quan chức theo dõi vụ phóng tên lửa mang vệ tinh của nước này - Ảnh: AFP |
Bình Nhưỡng cũng cho biết sẽ dừng chương trình điều tra các trường hợp công dân Nhật bị bắt cóc.
Đầu tuần này, Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản đã phê duyệt nội dung các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa mang vệ tinh vào ngày 7.2, trong đó có việc cấm hoàn toàn các tàu Triều Tiên ghé vào các cảng của Nhật Bản, kể cả những tàu đang thực hiện sứ mệnh nhân đạo. Lệnh cấm này cũng được áp dụng đối với tàu của các nước khác trước đó đã ghé các cảng Triều Tiên.
Vấn đề công dân Nhật bị tình báo Triều Tiên bắt cóc trong những năm 70 của thế kỷ trước là trở ngại lớn nhất trong việc lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Năm 2002, Bình Nhưỡng lần đầu tiên thừa nhận (chỉ) có 13 công dân Nhật Bản bị bắt cóc và cho phép 5 người trong số họ trở về cố quốc, đồng thời thông báo rằng 8 người khác đã chết. Di cốt của 8 người này được gửi về Nhật Bản dưới dạng tro thiêu khiến thân nhân của họ rất khó xác định được chân - giả.
Trong tháng 5.2014, Chính phủ Nhật Bản và Triều Tiên đã thỏa thuận tổ chức một chương trình điều tra về vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc và cùng lập ra một ủy ban đặc biệt cho mục đích này. Sau đó Tokyo đã đồng ý bỏ một phần của biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, đặc biệt là nới lỏng các hạn chế về visa và bỏ lệnh cấm tàu Triều Tiên ghé các cảng Nhật Bản nếu đang thực hiện sứ mệnh nhân đạo.
Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn duy trì lệnh cấm nghiêm ngặt về giao thương với Triều Tiên và tái khẳng định cam kết thực hiện các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với việc Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa của mình.
Bình luận (0)