Triều Tiên hé lộ kế hoạch uy hiếp Guam

11/08/2017 08:52 GMT+7

Quân đội CHDCND Triều Tiên đã công bố kế hoạch chi tiết về việc phóng tên lửa về hướng đảo Guam, nơi đặt căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm qua đưa tin quân đội nước này đang “nghiêm túc nghiên cứu” về việc phóng 4 tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 về hướng đảo Guam và sẽ hoàn thành kế hoạch vào giữa tháng 8.2017 để trình lên lãnh đạo Kim Jong-un quyết định. Triều Tiên khẳng định tên lửa Hwasong-12 có thể bay qua bầu trời tỉnh Shimane, Hiroshima, Koichi của Nhật Bản và di chuyển 3.356,7 km trong vòng 17 phút 45 giây trước khi rơi xuống khu vực cách đảo Guam 30 - 40 km. KCNA lưu ý Triều Tiên lên kế hoạch nhằm “gửi thông điệp cứng rắn đến Mỹ”. Tướng Kim Rak-gyom, Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược của quân đội Triều Tiên, tuyên bố Bình Nhưỡng không thể đối thoại với tổng thống Mỹ và chỉ còn biện pháp dùng vũ lực.
KCNA đưa ra thông tin này chỉ một ngày sau khi Triều Tiên cảnh báo sẽ tấn công đảo Guam nhằm đáp trả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố bất cứ mối đe dọa nào từ Bình Nhưỡng sẽ dẫn đến “bão lửa thịnh nộ mà thế giới chưa từng chứng kiến”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm qua cố giảm nhẹ tuyên bố này, khẳng định không mối đe dọa nào đối với Guam và kỳ vọng các nước trên thế giới như Trung Quốc, Nga có thể phối hợp gây áp lực ngoại giao với Triều Tiên. Trong khi đó, Phó trợ lý của Tổng thống Trump - ông Sebastian Gorka ngày 10.8 tuyên bố Washington sẽ dùng “mọi biện pháp thích đáng” để bảo vệ nước Mỹ trước mối đe dọa từ Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo những hành động gây hấn của Triều Tiên “sẽ dẫn đến sự cáo chung của chế độ và hủy diệt nhân dân nước này”. Ông Mattis khẳng định Bình Nhưỡng không thể chiến thắng trong bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang hay xung đột nào.

tin liên quan

Thực lực hải quân Triều Tiên
CHDCND Triều Tiên được cho là đang nỗ lực nâng cấp hải quân với khả năng tên lửa hiện đại để bảo vệ vùng biển xung quanh nước này.
Giới quan sát nhận định những tuyên bố cứng rắn và sự đánh giá sai lầm của hai bên có nguy cơ dẫn đến xung đột toàn diện, trong khi Washington - Bình Nhưỡng không thiết lập quan hệ ngoại giao và kênh đối thoại để giải quyết khủng hoảng. Ông Lee Choon-geun, chuyên gia thuộc Viện Chính sách khoa học - công nghệ (Hàn Quốc), cảnh báo tên lửa Triều Tiên có thể đáp xuống gần đảo Guam hơn so với dự tính. Với tầm bắn 6.400 km, tên lửa Hwasong-12 có thể bắn trúng căn cứ không quân Andersen ở Guam. Ngoài Hwasong-12, Triều Tiên có thể dùng tên lửa phóng từ tàu ngầm Pukguksong-2 (tầm bắn khoảng 2.000 km) hay tên lửa Musudan (tầm bắn 3.200 km).
Theo AP, người dân ở Guam tin tưởng sức mạnh quân đội Mỹ, nhưng lo ngại về cuộc khẩu chiến giữa Washington và Bình Nhưỡng. Thống đốc Guam - ông Eddie Calvo thừa nhận điều này, nhưng khẳng định cộng đồng dân cư tại đây không hoảng loạn. Ông Calvo cho biết thêm Triều Tiên chỉ muốn hù dọa và gây sợ hãi, đồng thời trấn an người dân rằng Mỹ dư sức đối phó tên lửa Triều Tiên.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố nước này không thể dung thứ bất kỳ hành động khiêu khích nào của Triều Tiên và có quyền đánh chặn tên lửa hướng đến Guam một cách hợp pháp. Chính phủ Hàn Quốc cũng kêu gọi Triều Tiên chấm dứt mọi hành động gây hấn, đồng thời khẳng định sẽ tìm kiếm mọi biện pháp có thể nhằm giải quyết căng thẳng thông qua hợp tác với các quốc gia khác.
Mỹ cảnh giác cao độ
Tờ The Times hôm qua đưa tin các chỉ huy quân sự thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đang cảnh giác cao độ và lực lượng quân sự ở Guam sẵn sàng ứng phó cuộc tấn công “bất ngờ” của Triều Tiên. Hiện 3 tàu sân bay USS Ronald Reagan, USS Nimitz và USS Carl Vinson (với tổng cộng 270 máy bay và trực thăng), 7 tàu khu trục trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis và ít nhất 3 tàu ngầm trang bị tên lửa Tomahawk cùng một loạt máy bay các loại đã được triển khai hoặc đang sẵn sàng đợi lệnh triển khai đến khu vực. Căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, cách bán đảo Triều Tiên khoảng 3.200 km, là nơi đồn trú của những máy bay ném bom hạng nặng như B-2, B-52 và B-1B cùng tiêm kích tàng hình F-22. Tổng cộng 6.000 lính Mỹ đồn trú tại đảo này. Mỹ đã bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Guam và Hàn Quốc. Từ bệ phóng di động, tên lửa đánh chặn của hệ thống này có thể bay với vận tốc 9.600 km/giờ với tầm bắn là 200 km. THAAD được thiết kế để tiêu diệt tên lửa đạn đạo ở độ cao cách bề mặt trái đất 149 km, tức trong giai đoạn bay hướng xuống mục tiêu. Mỗi hệ thống được trang bị 72 tên lửa đánh chặn và được tích hợp với hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn Patriot đặt tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.