Theo một dự báo từ phía Hàn Quốc do Quartz công bố, hiện chưa có báo cáo chính thức về mức độ giàu có nguồn khoáng sản của Triều Tiên, nhưng ước tính sơ bộ từ đầu thập niên này cho thấy, mỏ đá, quặng sắt, kẽm, đồng, vàng, bạc, magie, graphite… mà quốc gia khép kín nhất thế giới đang sở hữu có giá trị từ 6.000 đến 10.000 tỉ USD.
Trước khi Liên Xô sụp đổ, Triều Tiên đã ưu tiên khai thác khoáng sản và buôn bán với các đối tác thân cận. Nhưng ngành khai thác mỏ đã bị suy giảm kể từ đầu những năm 1990, do thiếu vốn để phát triển cơ sở hạ tầng cũng như hỗ trợ các hoạt động khai thác.
Hiện tại, ngành thương mại trong lĩnh vực khai thác mỏ của Triều Tiên đang gặp phải lệnh cấm nghiêm ngặt của Liên Hiệp Quốc (UN) vì Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ thử vũ khí hạt nhân. UN bắt đầu cấm đất nước Đông Á kinh doanh kim loại vào năm ngoái, nhưng đã có những báo cáo rằng chế độ ông Kim Jong-un ngày càng sáng tạo hơn để đối phó với các biện pháp chế tài.
tin liên quan
Kinh tế Triều Tiên tăng trưởng mạnh nhất từ năm 1999Sau khi phục hồi vào năm 2015, kinh tế Triều Tiên năm 2016 tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất từ năm 1999.
UN trong năm nay đã ban hành lệnh cấm giao thương toàn bộ than đá, sắt và quặng sắt của Triều Tiên, sau khi cấm nước này buôn bán đồng, niken, bạc và kẽm vào tháng 11.2016. Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, trước các sức ép từ phía cộng đồng quốc tế, cũng đã phải đưa ra lệnh cấm nhập khẩu than cho đến hết năm nay, một trong những nguồn kinh tế quan trọng của nước láng giềng. Kho bạc Mỹ cho biết chỉ tính riêng giao dịch than cũng đã tạo ra hơn 1 tỉ USD doanh thu hằng năm cho Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 11.9 đã đưa ra lệnh cấm mới như một sự đáp trả dành cho cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch của Triều Tiên hồi đầu tháng này. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt mới không cấm hoàn toàn việc vận chuyển dầu cho quốc gia Đông Á như dự thảo từ phía Mỹ, thay vào đó chỉ hạn chế Bình Nhưỡng nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ.
Theo Lloyd R. Vasey, nhà sáng lập kiêm cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) viết trong một báo cáo hồi tháng 4.2017, trữ lượng magnesit của Triều Tiên lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Trung Quốc, trữ lượng mỏ vonfram của nước này ước tính lớn thứ sáu toàn cầu. Ngoài ra, Triều Tiên còn sở hữu lượng lớn hơn 200 loại khoáng chất khác nhau và “tất cả đều có tiềm năng phát triển thành các mỏ quặng quy mô lớn” nếu có điều kiện phù hợp.
tin liên quan
Nga từ chối ngưng cung cấp dầu cho Triều TiênNga sẽ không ngừng đưa các sản phẩm dầu sang Triều Tiên, vì đối thoại là giải pháp duy nhất cho những xung đột, chứ không phải chỉ dựa trên các lệnh trừng phạt, theo phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov.
Bình luận (0)