Lệnh trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc có đủ làm khó Triều Tiên?

14/09/2017 12:07 GMT+7

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 11.9 bỏ phiếu thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân lần 6, nhưng lệnh cấm mới e rằng không làm khó được nước này.

Theo CNN, biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các hàng hóa chính mà Triều Tiên thường giao dịch, cụ thể cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng may mặc, hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài thuê lao động Triều Tiên. Tuy nhiên, các biện pháp chế tài mới đã không đi xa như Mỹ muốn khi Liên Hiệp Quốc hủy bỏ dự thảo cấm xuất khẩu dầu sang quốc gia Đông Á do sự phản đối từ Trung Quốc và Nga, thay vào đó chỉ hạn chế Bình Nhưỡng nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, khí tự nhiên hóa lỏng.
Theo lệnh trừng phạt mới, Triều Tiên vẫn được phép nhập khẩu dầu thô với hạn mức 4 triệu thùng một năm và các sản phẩm từ dầu với hạn mức 2 triệu thùng một năm. Động thái này dự kiến sẽ giảm 30% lượng dầu tiêu thụ ở Triều Tiên.
“Trung Quốc và Nga đang rất cảnh giác với việc gây áp lực kinh tế quá lớn lên Triều Tiên. Họ chỉ sẵn sàng chấp nhận các biện pháp trừng phạt cho phép họ thể hiện sự mạnh mẽ của mình”, Anthony Ruggiero, một thành viên cao cấp của Quỹ Quốc phòng Dân chủ ở Washington, nói.
Giới chuyên gia hiện vẫn còn nghi ngờ về việc liệu Bắc Kinh, Moscow và một số nước khác có tuân thủ tất cả các lệnh cấm mới nhất của Liên Hiệp Quốc hay không. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tỏ ra hoài nghi về hiệu quả thực thi. Ông mô tả động thái mới của Liên Hiệp Quốc chỉ là “một bước đi nhỏ” tiếp nối những hành động thiếu mạnh mẽ trước đó.
“Tôi không biết liệu nó có đủ để gây ảnh hưởng gì hay không, nhưng thật tốt khi dự thảo do Mỹ soạn thảo nhận được 15 phiếu ủng hộ - 0 phiếu trống. Những biện pháp trừng phạt đó có thể không là gì so với điều cuối cùng sẽ phải xảy ra”, Tổng thống Trump nói trong một cuộc họp với Thủ tướng Malaysia.
Trung Quốc, ước tính chiếm khoảng 90% thương mại nước ngoài của Triều Tiên, đã bị các chuyên gia chỉ trích nhiều lần vì không thực hiện đủ những lệnh trừng phạt trước đó của Liên Hiệp Quốc dành cho Triều Tiên. Biện pháp hạn chế mới về dầu thô được cho là sẽ càng khó nắm bắt hơn về hành động thực thi của Bắc Kinh. “Làm thế nào để chúng ta biết được Trung Quốc đang hạn chế xuất khẩu dầu thô cho Triều Tiên trong khi họ không hề báo cáo bất cứ dữ liệu nào”, Kent Boydston, nhà nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, đặt vấn đề.
Báo cáo gần đây từ một ủy ban của Liên Hiệp Quốc cũng tìm thấy những sai sót trong việc áp dụng các biện pháp chế tài đã được đưa ra. Ước tính Triều Tiên đã xuất khẩu ít nhất 270 triệu USD hàng hóa bị cấm trong giai đoạn từ giữa tháng 2 đến tháng 8.2017.
Theo ông Ruggiero, để thúc đẩy Moscow và Bắc Kinh hành động nhiều hơn, Washington đã phải theo sát nhiều công ty và cá nhân bị nghi ngờ có kinh doanh với Triều Tiên. Chính phủ Tổng thống Trump đã trừng phạt một ngân hàng cũng như một số thực thể khác của Nga và Trung Quốc. Nhưng có lẽ Mỹ cần phải đáp lời kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn bằng cách tập trung sức ép đối với các ngân hàng lớn của quốc gia tỉ dân.
“Yếu tố duy nhất có khả năng gây ảnh hưởng mạnh đến Bình Nhưỡng là Trung Quốc, và Mỹ phải tạo sự lo ngại bằng cách áp đặt lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các công ty, ngân hàng lớn của Trung Quốc. Mỹ đang trong cuộc chạy đua với thời gian khi Triều Tiên gần đây đã thử nghiệm bom nhiệt hạch. Có vẻ như sự kiên nhẫn của Mỹ đã hết. Tôi không chắc họ sẽ chờ thêm bao lâu để đưa ra các quyết định như thế”, ông Ruggiero nói.
Song, ngay cả khi Trung Quốc và Nga thực hiện đầy đủ những biện pháp trừng phạt mới nhất, thì khả năng kìm hãm Triều Tiên xây dựng đế chế hạt nhân vẫn còn là một dấu chấm hỏi. Các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ ưu tiên và bảo vệ chương trình vũ khí hạt nhân đến cùng. Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như cũng đồng ý với quan điểm đó.
Theo một báo cáo của Viện Nautilus, một tổ chức chuyên nghiên cứu các vấn đề năng lượng, biện pháp hạn chế bán dầu cho Triều Tiên sẽ không làm chính phủ ông Kim Jong-un chùn bước. “Các biện pháp chế tài này chủ yếu ảnh hưởng đến đời sống của người dân hơn là việc tác động đáng kể đến chương trình vũ khí hạt nhân của nhà nước”, báo cáo của Viện Nautilus cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.