Trong những tuần gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng ông rất “thất vọng” vì Trung Quốc “chỉ nói mà không làm” đối với các vấn đề liên quan đến Triều Tiên.
Trong hàng thập niên Triều Tiên bị trừng phạt, Trung Quốc đã là đường dây kinh tế cho nước láng giềng, mua nhiên liệu và than, cung cấp lương thực và cho phép các công ty trong nước giao thương với quốc gia bị cô lập.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hồi cuối tuần qua đã biểu quyết nhất trí áp dụng lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên vì nước này vẫn không ngừng các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Theo các quan chức Mỹ, các biện pháp trừng phạt sẽ cắt giảm hơn 3 tỉ USD doanh thu xuất khẩu hằng năm của Triều Tiên.
Tuy Trung Quốc có thể sẽ chống lại bất kỳ biện pháp nặng tay nào khiến nền kinh tế Triều Tiên sụp đổ, nhưng nước này cho biết vẫn sẽ sẵn lòng hợp tác để gây áp lực lên kinh tế nước láng giềng.
Dưới đây là một số cách mà Bắc Kinh có thể hành động, theo tổng hợp từ CNN.
tin liên quan
Nguồn thu kinh tế của Triều Tiên đến từ đâu?Bán than, xuất khẩu lao động, dự trữ tiền tệ ở nước ngoài... đang là các nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Triều Tiên.
Triều Tiên phụ thuộc rất nhiều vào việc sản xuất và xuất khẩu than. Phần lớn trong số đó được bán cho Trung Quốc và đây cũng là nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của nước này. Tuy nhiên, hồi tháng 2.2017, Đại lục cho biết sẽ ngừng tất cả các hoạt động nhập khẩu than từ Triều Tiên cho đến hết năm nay. Bắc Kinh cũng có thể tăng thêm áp lực bằng cách hạn chế việc bán nhiên liệu cho nước láng giềng.
Ngân hàng
Mỹ và các nước đồng minh đã cố gắng thu hẹp nguồn cung tiền của Bình Nhưỡng và loại trừ nước này ra khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu. Nhưng trong nhiều năm qua, Mỹ vẫn chưa có động thái nào để chống lại các ngân hàng Trung Quốc được cho là đã làm ăn với Triều Tiên.
Song, điều này đã thay đổi khi vào tháng 6.2017, Bộ Tài chính Mỹ ra lệnh cấm một ngân hàng Trung Quốc vì bị cáo buộc đã hợp tác cùng Bình Nhưỡng truy cập bất hợp pháp vào hệ thống ngân hàng Mỹ. Quan chức Kho bạc Mỹ cho biết không loại trừ khả năng các ngân hàng khác có thể sẽ phải đối mặt với áp lực tương tự từ phía Mỹ cũng như những đối tác quốc tế khác.
Về phía Trung Quốc, họ có thể ngăn Triều Tiên tiếp cận nguồn tiền sẽ được dùng cho các chương trình hạt nhân bằng cách phạt các ngân hàng trong nước hiện vẫn giao dịch kinh doanh với Bình Nhưỡng.
Tiền mặt
Triều Tiên được cho là đã kiếm được một khoản quỹ lớn từ việc bán than cho Trung Quốc. John Park, giám đốc Korea Working Group tại Harvard Kennedy School, tin rằng Triều Tiên đã để dành được “số tiền rất lớn” có thể giúp họ mua bất kỳ loại vũ khí nào họ muốn cho các chương trình vũ khí hạt nhân. Song, theo ông Park, việc hạn chế Triều Tiên lách các lệnh trừng phạt để tiếp cận với khoản tiền mặt đó còn phụ thuộc vào “quyết tâm chính trị của các nhà chức trách Trung Quốc”.
Lao động
Theo một báo cáo từ Liên Hiệp Quốc năm 2015, Triều Tiên đã gửi hàng ngàn lao động ra nước ngoài để làm việc tại Nga, Trung Đông và Trung Quốc, trong các ngành công nghiệp như khai thác mỏ, khai thác gỗ, dệt may, xây dựng. Và điều đáng nói là Bình Nhưỡng đã giữ một khoản tiền lương đáng kể của những công nhân này.
Thực tế trên được nhìn thấy rất rõ tại Đan Đông, một thành phố Trung Quốc giáp biên giới với Triều Tiên. Chính quyền địa phương cho biết 20% trong số 50.000 lao động làm việc trong ngành may mặc của họ là công dân Triều Tiên. Những người này làm việc từ 12 đến 14 tiếng/ngày, và được trả mức lương hằng tháng khoảng 260 USD. “Các công nhân Triều Tiên đều được kiểm tra về mặt chính trị trước khi họ rời đất nước. Họ có kỷ luật và rất dễ quản lý”, theo thông tin trên website của chính quyền thành phố Đan Đông.
Nếu Trung Quốc muốn cắt đi nguồn ngoại tệ quan trọng của Triều Tiên, họ chỉ việc gửi trả lực lượng lao động nói trên về nước. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, thế giới đang không biết liệu Bắc Kinh sẵn sàng hành động tới đâu với nước láng giềng. Đặc biệt khi quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn luôn lo ngại về một kịch bản mà trong đó, nếu chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ, an ninh khu vực sẽ trở nên bất ổn và hàng triệu người tị nạn Triều Tiên có thể sẽ vượt sông Yalu để tràn qua Trung Quốc.
tin liên quan
Kinh tế Triều Tiên tăng trưởng mạnh nhất từ năm 1999Sau khi phục hồi vào năm 2015, kinh tế Triều Tiên năm 2016 tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất từ năm 1999.
Bình luận (0)