Triều Tiên phá G20 ở Trung Quốc?

06/09/2016 07:26 GMT+7

Trung Quốc cố gắng dẫn dắt hội nghị G20 tập trung vào chủ đề kinh tế toàn cầu, nhưng tranh chấp biển và việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa đã làm dư luận xao nhãng.

Theo Reuters, các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị G20 vào ngày 5.9 đối mặt áp lực khởi động lại nền kinh tế thế giới, nhưng nỗ lực bất thành nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Syria và căng thẳng xung quanh vấn đề tranh chấp biển tại châu Á, cũng như mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên đã phá hỏng không khí hội đàm tại Hàng Châu.
Tín hiệu từ Bình Nhưỡng
Đầu tiên, trong cuộc gặp bên lề cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin không đạt được thỏa thuận nhằm giải nhiệt cuộc khủng hoảng Syria, theo AFP. Kế đến, việc Bình Nhưỡng phóng liên tục 3 tên lửa đạn đạo tầm trung vào khoảng 10 giờ ngày 5.9 (giờ VN) có thể khiến Trung Quốc bẽ mặt sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại bán đảo Triều Tiên, theo Đài CNN.
Theo Hãng tin Reuters dẫn thông báo của quân đội Hàn Quốc, các tên lửa đã được khai hỏa từ bệ phóng xung quanh huyện Hwangju thuộc tỉnh Bắc Hwanghae, bay về hướng vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Giới hữu trách Hàn Quốc cho hay đây là tên lửa thuộc nhóm Rodong tầm trung, bay khoảng 1.000 km trước khi rơi xuống cách đảo Hokkaido khoảng 200 - 250 km về phía tây. Đây là lần thứ hai tên lửa Triều Tiên đi vào vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản, theo sau vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm cách đây 2 tuần.
Động thái mới nhất từ chính quyền Bình Nhưỡng lập tức gây náo động các lãnh đạo đang tham dự ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, vốn khởi đầu không mấy suôn sẻ với hàng loạt sự cố trong công tác lễ tân đón Tổng thống Obama. Trong cuộc gặp bên lề G20 với Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh hành động của Triều Tiên là “không thể tha thứ”, đồng thời ra chỉ thị yêu cầu giới chức Nhật Bản tăng cường công tác an ninh và thu thập tình báo theo sau vụ phóng tên lửa, theo tờ The Asahi Shimbun. Trong cuộc gặp song phương Hàn - Nhật, cả ông Abe lẫn Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đều đồng ý tiếp tục hợp tác theo dõi sát sao tình hình.
Đài CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay cam kết của Washington nhằm bảo vệ đồng minh trước những nguy cơ hiện hữu như Triều Tiên vẫn luôn có hiệu lực. Trong khi đó, John Delury, trợ lý giáo sư tại Đại học Yonsei (Hàn Quốc) nhận xét Triều Tiên đã chọn thời điểm “cực chuẩn” để phóng tên lửa, chỉ vài giờ sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo Tổng thống Hàn Quốc rằng: “Xử lý kém vấn đề (Hệ thống THAAD) chẳng có lợi cho sự ổn định chiến lược của khu vực và có thể làm căng thẳng thêm xung đột”, theo Tân Hoa xã.
Trung Quốc cảnh báo Nhật
Trong cuộc hội đàm Nhật - Trung lần đầu tiên sau nhiều tháng căng thẳng, Thủ tướng Abe cho hay đã cảnh báo Chủ tịch Tập rằng việc Bắc Kinh triển khai tàu xung quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trong thời gian gần đây là hành vi gây căng thẳng cho khu vực. Để ngăn chặn nguy cơ nổ ra xung đột không mong muốn tại Hoa Đông, hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy nhanh tốc độ đàm phán nhằm sớm triển khai cơ chế liên lạc đường biển và đường không, dưới dạng đường dây nóng giữa các quan chức quốc phòng, theo Kyodo News.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập cho rằng hai nước cần bỏ qua những “vấn đề gây xao nhãng”, đồng thời bày tỏ mong muốn đưa quan hệ song phương với Nhật quay lại quỹ đạo bình thường. Lãnh đạo Trung Quốc cũng nói rằng chính quyền Tokyo nên thận trọng trong từng “lời nói và hành động” khi đề cập đến vấn đề Biển Đông, theo Tân Hoa xã.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 lên tiếng phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại và nhất trí thúc đẩy hơn nữa các hoạt động tự do giao thương nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, phần nào phản ánh được mối lo ngại chung về tình trạng thương mại trì trệ, theo Reuters. Đồng thời, họ một lần nữa xác nhận lại việc sử dụng các chính sách tiền tệ, tài chính và cải cách cấu trúc nhằm củng cố sức mạnh kinh tế thế giới trong lúc phải đối mặt với tình trạng bất ổn đến từ các nền kinh tế đang phát triển bị trì trệ và quyết định của Anh rời khỏi EU. Nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng thừa vật liệu thép tại Trung Quốc gây ảnh hưởng toàn cầu, các lãnh đạo G20 quyết định thiết lập một diễn đàn quy mô toàn thế giới để thảo luận những cách thức xử lý vấn đề này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.