Hãng tin UPI ngày 17.7 đưa tin báo cáo của Cơ quan nghiên cứu quốc hội Mỹ nêu rằng các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên cho thấy nước này có thể tìm cách tăng độ tin cậy, hiệu quả và khả năng sống sót cho lực lượng tên lửa đạn đạo.
Báo cáo trên tập trung vào 3 hệ thống tên lửa mới được Triều Tiên thử nghiệm những năm gần đây: KN-23, KN-24 và KN-25. Đây đều là những mẫu tên lửa đạn đạo tầm ngắn, được thiết kế để đánh lừa các hệ thống phòng không của đối phương.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tên lửa KN-23 có tầm bắn khoảng 700 km. Đầu đạn của KN-23 nặng khoảng 500 kg và loại tên lửa này có thể được gắn đầu đạn thông thường lẫn đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ. Giới chuyên gia nhận định KN-23 là phiên bản được nâng cấp từ tên lửa Nga Iskander. Trong một cuộc thử nghiệm, tên lửa KN-23 phô diễn khả năng thay đổi đường bay đánh lừa tên lửa phòng không. Tên lửa này có nét tương đồng với tên lửa chống hạm Harpoon của hải quân Mỹ.
|
KN-24 có “hệ thống dẫn đường chủ động và khả năng cơ động để đạt độ tấn công chính xác”. Theo báo cáo của CRS, tên lửa KN-24 có tầm bắn khoảng 410 km, có thể được gắn đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường.
Với tầm bắn 380 km, tên lửa KN-25 có thiết kế khí động học, được dẫn đường bằng quán tính và vệ tinh. KN-25 có thể được trang bị hàng loạt trên các tổ hợp pháo phản lực, nhằm áp đảo mạng lưới phòng thủ của đối phương, theo báo cáo của CRS.
|
“Những tiến bộ gần đây của chương trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Triều Tiên được cho là đang hướng tới phát triển khả năng đánh bại hoặc làm giảm hiệu quả của các tên lửa phòng thủ được triển khai trong khu vực như: Patriot, Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis và Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD)”, theo báo cáo của CRS.
Trong khi đó, sách trắng quốc phòng được chính phủ Nhật Bản công bố hồi đầu này cũng đưa ra những cảnh báo tương tự về năng lực tên lửa của Triều Tiên. Sách trắng của chính phủ Nhật Bản đặc biệt nêu rõ Triều Tiên có thể phát triển tên lửa đạn đạo có quỹ đạo bay thấp để tránh hệ thống phòng thủ Nhật Bản.
Bình luận (0)