Theo một báo cáo mới của Viện Cao học Geneva, Triều Tiên là một trong những nước xuất khẩu vũ khí hạng nhẹ lớn trên thế giới. “Kết quả của báo cáo đưa ra một số thông tin giúp hỗ trợ cho giả định rằng Triều Tiên là nguồn cung cấp vũ khí, đạn dược và các thiết bị sản xuất quan trọng trên thế giới. Nhưng chúng tôi vẫn chưa có một bức tranh toàn cảnh về cách thức mà nước này hoạt động”, Paul Holtom, một trong những tác giả của báo cáo, cho biết.
Cùng với Triều Tiên, báo cáo cũng chỉ danh Iran và Ả Rập Xê Út trong các vụ buôn bán vũ khí đầy khôn ngoan để làm giàu cho ngành công nghiệp “đen” trị giá khoảng 6 tỉ USD của họ. Vì phần lớn các thương vụ này là bí mật, nên các chuyên gia phải dựa vào nguồn vũ khí bị tịch thu để đánh giá khối lượng thương mại.
Tại Ai Cập, các quan chức đã chặn 132 tấn hàng hóa vũ khí, bao gồm khoảng 30.000 lựu đạn, ẩn trên một chuyến tàu của Triều Tiên vào tháng 8.2016. Trở lại năm 2009, có 10 chiếc container chứa vũ khí của Triều Tiên, trong đó có cả các máy phóng tên lửa, đã bị bắt giữ tại Thái Lan. Theo báo cáo lúc đó, khối lượng vũ khí này có giá trị khoảng 18 triệu USD.
Các nhà nghiên cứu của Viện Cao học Geneva cho rằng, dựa trên những dữ liệu từ các vụ bắt giữ vũ khí “cùng với hoạt động buôn bán vũ khí hạng nhẹ khác được ghi nhận, đã đủ để đánh giá Triều Tiên là một nước xuất khẩu vũ khí hạng nhẹ”. Theo các báo cáo của Liên Hiệp Quốc (UN), có hàng chục vụ bắt giữ hàng hóa vũ khí bất hợp pháp của Triều Tiên chuyển tới Iran, Syria và Cuba, ước tính một số trong đó có trị giá ít nhất là 10 triệu USD.
Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Namibia và Yemen cũng là những khách hàng nhận được sự giúp đỡ của Triều Tiên trong việc phát triển cơ sở vũ khí hạng nhẹ và đạn dược.
Theo CNN, UN đã mở rộng các biện pháp chế tài đối với vũ khí hạng nhẹ của Bình Nhưỡng vào năm 2009. Ngoài ra, một số khoáng sản và kim loại của quốc gia Đông Á cũng bị cấm buôn bán. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn không ngừng theo đuổi, phát triển chương trình vũ khí hạt nhân buộc UN phải thiết kế hàng loạt lệnh trừng phạt mới để hạn chế nguồn thu tài chính của nước này.
tin liên quan
Lệnh trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc có đủ làm khó Triều Tiên?Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 11.9 bỏ phiếu thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân lần 6, nhưng lệnh cấm mới e rằng không làm khó được nước này.
Bình luận (0)